Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon

Trường Thịnh

(Dân trí) - Suốt 8 năm qua, Bitel (Viettel Peru) đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Tuy nhiên, khi thị trường di động đã đạt mức bão hòa thì bài toán tăng trưởng cần lời giải hoàn toàn mới.

Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon - 1

Chia sẻ về công thức vận hành của Bitel, Tổng giám đốc (CEO) Phạm Anh Đức nói rằng: "Chìa khóa nằm ở việc làm tốt những điều đơn giản với các giá trị cốt lõi". Ba giá trị cốt lõi mà người Bitel luôn căn cứ làm "kim chỉ nam" gồm: Sáng tạo, thích ứng nhanh, truyền thống và cách làm của người lính.

"Sáng tạo là sức sống, là một trong những giá trị cốt lõi của người Viettel. Ở đâu, người Viettel cũng luôn tìm tòi, kích thích và tạo ra giá trị mới. Còn thích ứng nhanh chính là sức mạnh cạnh tranh. Bitel luôn sẵn sàng làm những gì mà đối thủ không dám làm. Với truyền thống và cách làm người lính, chúng tôi làm nhanh, làm triệt để và điều chỉnh liên tục để tạo dựng thành công của Bitel ngày hôm nay", ông Đức chia sẻ.

CEO Bitel cho biết, mục tiêu tiếp theo của Bitel là trở thành công ty ICT số một ở Peru. "Viễn thông chính là nền tảng, tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy cho Bitel trở thành một doanh nghiệp số", ông Phạm Anh Đức chia sẻ.

Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon - 2

Sau 8 năm kinh doanh tại Peru, những quyết định đột phá với 3G và 4G đã giúp Bitel tăng trưởng mạnh ngay cả khi thị trường bão hòa về mật độ sử dụng di động. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng trưởng, ông Đức nhấn mạnh "chuyển đổi số sẽ là chìa khóa".

CEO Bitel cho rằng những kinh nghiệm thực chiến về chuyển đổi số ở Việt Nam của người Viettel sẽ là nhân tố quan trọng của thành công. Việc tập trung vào chuyển đổi số để tạo ra động lực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, con người Peru, cũng là điều mà chưa nhà mạng đối thủ nào bắt tay thực hiện.

Với riêng ông Phạm Anh Đức "mục tiêu tham vọng là sau 5 năm, Bitel sẽ trở thành công ty ICT số một của Peru". Vị CEO này cũng cho biết: "Đó là mục tiêu khá thách thức, nhưng đó là kiểu của người Viettel. Tìm ra khát vọng mới rồi nghĩ cách làm và chinh phục được những khát vọng đó".

Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon - 3

Ông Phạm Anh Đức cho biết trong buổi làm việc với người đứng đầu Hội đồng Chuyển đổi số quốc gia của Peru gần đây, lãnh đạo Bitel đã chia sẻ những thành tựu mà Tập đoàn Viettel đã đạt được về chuyển đổi số tại Việt Nam. "Họ rất trân trọng những thành tựu đó và đề nghị tôi tham gia vào Hội đồng chuyển đổi số quốc gia của Peru", anh Đức vui mừng tiết lộ.

Theo ông Đức, việc góp mặt trong Hội đồng chuyển đổi số quốc gia Peru không chỉ góp phần nâng cao tiếng nói của Bitel, mà cũng là cơ hội để những chuyên gia Bitel hỗ trợ sâu hơn, có hiệu quả hơn với tiến trình chuyển đổi số của quốc gia này.

"Tôi đã tiếp cận với các bộ, ngành, địa phương của Peru và nhận thấy nhiều cái tưởng như là cơ bản ở Việt Nam nhưng vẫn rất mới ở bên này. Bởi thế, nếu đưa những công nghệ cơ bản, vốn đã chứng minh hiệu quả ở Việt Nam ứng dụng và điều chỉnh cho phù hợp tại Peru, là có thể tạo ra đột phá", ông Phạm Anh Đức dự báo.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một trong 6 yếu tố tạo nên thành công của chuyển đổi số và không mang ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, theo ông Phạm Anh Đức, Bitel có một nhiệm vụ quan trọng là tư vấn, hỗ trợ Chính phủ Peru xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tường minh, trong đó làm nổi bật vai trò của chuyển đổi số với chính quyền, xã hội và người dân cũng như quyết tâm theo đuổi chiến lược ấy đến cùng.

Tới hiện tại, Peru cũng là thị trường đầu tiên ở nước ngoài của Viettel chính thức thử nghiệm Thành phố thông minh (quận Moche, tỉnh Trujillo). Không chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tập đoàn Viettel, giải pháp smartcity của Việt Nam cũng được người dân và chính quyền quận Moche (Peru) hưởng ứng.

Quận trưởng Moche vừa đắc cử trở thành tỉnh trưởng nhờ tầm nhìn và cam kết với chuyển đổi số, đô thị thông minh. Chính những chia sẻ của Bitel về đô thị thông minh, giúp đảm bảo an toàn an ninh, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và an toàn giao thông… đã góp phần giúp vị quận trưởng nhận được sự ủng hộ không nhỏ của người dân trong tranh cử.

"Qua câu chuyện ấy, tôi đánh giá người dân Peru đang hưởng ứng rất tốt với công nghệ số Make in Vietnam", ông Đức nhận xét.

Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon - 4

Trong 8 năm kinh doanh tại Peru, Bitel đã tiến hành nhiều chương trình vì cộng đồng. Những điểm nhấn nổi bật có thể kể đến là kéo Internet lên trường học nằm ở điểm cao nhất của Peru, đưa viễn thông vào giữa rừng già Amazon hay cung cấp mạng Internet miễn phí cho trường học, cơ sở y tế và chính quyền sở tại… "Chúng tôi tin rằng những thứ cho đi đều sẽ được nhận lại theo một cách nào đó", ông Đức nói.

Khi Bitel kéo mạng Internet vào rừng già Amazon, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, kết nối giữa con người với con người được duy trì thường xuyên, liên tục hơn. Đây là điều mà chưa một mạng viễn thông nào từng làm vì chi phí quá cao và quá khó khăn. Tuy nhiên, kết quả là cả một khu vực rộng lớn, ai ai cũng dùng mạng Bitel. Tiếp đó, doanh thu trên đầu thuê bao (ARPU) ở đây còn cao hơn cả các tỉnh giàu có như Lima.

Khát vọng mang công nghệ Việt số hóa Peru và tình người giữa rừng già Amazon - 5

Trở thành CEO Viettel Peru, ông Phạm Anh Đức cũng có cơ hội chứng kiến tình cảm mà người dân dành cho người Việt Nam. Khác với những lần "được nghe kể" ông Đức có cơ hội tiếp xúc với những người dân Peru ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh mà Bitel cung cấp Internet miễn phí.

"Nơi tôi đến không chỉ trường học chưa có Internet mà người dân còn chưa có cả mạng di động. Song song với việc cung cấp Internet miễn phí cho 2 trường học, chúng tôi quyết định lắp đặt thêm một trạm thu phát sóng. Biết mục đích của chúng tôi, người dân không chỉ miễn phí thuê đất đặt trạm mà còn góp công sức xây dựng. Chi phí của trạm ấy giảm đi rất nhiều trong khi tất cả người dân đều mua sim Bitel sau khi phát sóng", ông Đức kể.

Dù ngôn ngữ khác nhau, thậm chí người dân ở đó chỉ nói tiếng bản địa, nhưng ông Đức cho biết: "Mọi người đều cảm nhận rõ tình cảm mà người dân dành cho mình. Có những tình cảm không cần thể hiện bằng lời".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm