1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Keangnam và những cái “nhất” tai tiếng

Được biết đến với thương hiệu đẳng cấp làm nên tòa nhà cao tầng và hiện đại nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tuy nhiên, trước và sau đi vào hoạt động, tòa nhà này vẫn luôn gắn với nhiều “xì-căng-đan” tai tiếng.

Keangnam và những cái “nhất” tai tiếng - 1
Bất an của cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp này là hoàn toàn có cơ sở

 

Vụ cá cược ồn ào nhất

 

Vài năm về trước, ai ai nhắc đến Keangnam ngoài là tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm này thì thông tin còn lại chính là sự ồn ào dư luận với vụ cá cược lên tới 100 tỷ đồng giữa một nhóm cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng với chủ đầu tư về việc liệu công trình có kịp hoàn thành tiến độ trước dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội hay không.

 

Sự việc bắt đầu từ ngày 14/11/2008, đích thân Chủ tịch Keangnam Vina Ha Jong Suk đã gửi thông cáo đến báo giới khẳng định công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, chủ đầu tư tổ hợp chung cư cao tầng, khách sạn, dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cam kết hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng kịp thời gian kỷ niệm 1.000 nămThăng Long - Hà Nội.

 

"Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không thực hiện đúng cam kết” - ông Ha Jong Suk tuyên bố. Chủ đầu tư cũng cho hay, trong trường hợp bị phạt vì không đúng tiến độ, toàn bộ số tiền sẽ được dùng cho mục đích từ thiện. Nay với việc tiến hành lễ cất nóc và hoàn thành xây dựng phần thô công trình, Keangnam đã có câu trả lời cho vấn đề này.

 

Tai nạn nhiều nhất

 

Một cái nhất khác chính là những vụ tai nạn lao động đáng tiếc diễn ra tại công trường xây dựng tòa nhà Keangnam. Do “chạy đua” tiến độ, chỉ trong vòng chưa đầy một năm (từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2010) tại Keangnam liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, nhiều người bị thương. Đây là con số chưa từng có đối với việc xây dựng một tòa nhà ở Việt Nam.

 

Cụ thể, tối ngày 21/7/2009,  hai công nhân Hoàng Văn Tạo (SN 1966, ở Kim Bôi, Hòa Bình) và Bùi Văn Dương (SN 1987, ở Lạc Sơn, Hòa Bình) đã bị rơi từ tầng 13 trong quá trình làm việc. Chỉ một ngày sau đó, chiều 22/7, lại tiếp tục có 2 công nhân khác tử vong. Vụ tai nạn xảy ra trong quá trình bê cốt-pha tại tầng 5 của tòa nhà B, hai công nhân này đã bị trượt chân, rơi xuống sàn tầng 4.

 

Số người tử nạn tại Keangnam chưa dừng lại khi vào ngày 3/2/2010, anh Lê Đức Thắng (sinh năm 1974, Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định) bị ống thép tại công trình này văng trúng người dẫn đến tử vong.

 

Chiều 22/2/2010, một cán bộ kỹ thuật trên công trường Keangnam tiếp tục bị cốt pha đổ đè vào người, qua đời sau đó ít giờ. Đây là vụ tai nạn chết người thứ hai xảy ra trong tháng 2/2010 và cũng là vụ tử nạn thứ 6 tại Keangnam kể từ khi công trình này đi vào thi công.

 

Keangnam và những cái “nhất” tai tiếng - 2
Sáu người tử nạn là con số chưa từng có đối với việc xây dựng một tòa nhà ở Việt Nam

 

Những tai nạn kinh hoàng liên tiếp xảy ra nên ngày 26/2/2010, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra toàn diện về việc chấp hành các quy định về an toàn lao động tại Tổ hợp Công trình xây dựng Keangnam Hanoi Landmark Tower.

 

Đoàn thanh tra đã kết luận tại công trường xây dựng này có hàng loạt sai phạm như không lập và phê duyệt biện pháp đảm bảo an toàn chung cho công trình; thiếu phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát để kiểm soát an toàn lao động…

 

Về phía chủ đầu tư, ông Ha Jong Suk cho rằng, kết quả điều tra tai nạn chủ yếu xảy ra do lỗi của người lao động và việc không tuân thủ quy trình an toàn lao động của các nhà thầu phụ, tuy nhiên chủ đầu tư cũng thấy rất đau lòng trước sự việc trên.

 

Hỏa hoạn nhiều nhất

 

Cùng với các vụ tai nạn chết người, công trình Keangnam tiếp tục “nổi tiếng” hơn nhờ những vụ hỏa hoạn xảy ra như... cơm bữa.

 

Keangnam hiện đứng thứ 17 trên thế giới về chiều cao và đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 3/2007. Trong thời gian xây dựng, công trường Keangnam đã từng xảy ra 2 vụ hỏa hoạn và nhiều vụ tai nạn lao động.

 

Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra vào 10h20 phút sáng 6/11/2010 tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Vụ hoả hoạn thứ hai xảy ra ngày 24/3/2010 tại tầng 25 của Keangnam. Vào ngày 9/6/2011, tại tòa nhà A của Keangnam còn xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa do công nhân kỹ thuật vận hành chưa có kinh nghiệm, khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt” ngay hôm đó…

 

Keangnam và những cái “nhất” tai tiếng - 3
Keangnam tiếp tục “nổi tiếng” hơn nhờ những vụ hỏa hoạn xảy ra như... cơm bữa

 

Gần đây nhất vào khoảng 14h ngày 27/8 đã xảy ra một vụ cháy tại tòa nhà cao nhất trong khu tổ hợp Keangnam Landmark Towers. Khu vực xảy cháy được xác định tại hệ thống quạt thông gió, điều hòa tổng của tòa nhà Keangnam, đặt trên nóc tòa nhà7 tầng (cạnh tòa tháp cao nhất).

 

Như vậy, các vụ hỏa hoạn xảy ra tại Keangnam đến thời điểm này đã ở con số 5.

 

Bị cư dân tố nhiều nhất

 

Vào khoảng cuối tháng 6/2011, Keangnam nổi đình nổi đám khi bị hàng trăm cư dân sống tại đây tố cáo “bóc lột” cư dân khi thu hàng loạt các loại phí “khủng”. Cụ thể, cư dân cho rằng Keangnam đang thu phí vượt trần so với quy định của UBND TP về phí trông ô tô, xe máy. Mức phí xe máy tính theo lượt của chủ đầu tư hiện ở mức 20.000 đồng, gấp 10 lần quy định của thành phố.

 

Phí quản lý cũng được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng /m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp như Vincom B cũng chỉ có 14.000 đồng, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng.

 

Sau nhiều lần đấu tranh căng thẳng, Keangnam chịu "nhún", hạ phí quản lý xuống còn 17.130 đồng/m2 chưa bao gồm VAT nhưng cư dân Keangnam vẫn chưa đồng ý do vẫn cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP Hà Nội mà chưa có sự thỏa thuận nào giữa cư dân và chủ đầu tư. Ban đại diện lâm thời Keangnam cũng đã gửi đi 12 công văn yêu cầu chủ đầu tư phải bóc tách chi phí, thỏa thuận mức phí quản lý chung cho tòa nhà. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư vẫn “bặt vô âm tín”.

 

Bức xúc trước thái độ áp đặt mức phí quản lý cao “ngất”, nhiều cư dân Keangnam không đồng ý đóng phí. Ngay lập tức, Keangnam đã ra “tối hậu thư” ngày 21/11, thông báo, nếu cư dân không đóng mức phí trên, chủ đầu tư sẽ cắt các dịch vụ và tiện ích công cộng.

 

Cụ thể, Keangnam Vina thông báo: "Kể từ ngày 26/11 đối với các căn hộ chưa tất toán phí quản lý sẽ hạn chế sử dụng sử dụng tiện ích công cộng như sân chơi, bể bơi…Từ ngày 1/12  do một số căn hộ chưa tất toán phí quản lý nên công ty quản lý buộc cắt giảm nhân viên lễ tân, bảo vệ, vệ sinh và tạm dừng các dịch vụ cung cấp khác".

 

Gây bức xúc nhất

 

Gây bức xúc nhất gần đây là vụ việc một cư dân của Keangnam bị côn đồ vào hành hung phải đi cấp cứu ngay tại  khu vực sân chơi công cộng dành cho trẻ em ở tầng 5 tại hai tòa tháp A và B. Sự việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 18/11, nạn nhân là anh Trần Thanh Hiền (SN 1972, trú tại căn hộ 1803 Keangnam, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

 

Nguyên nhân là do anh Hiền ngăn cản những người của công ty Mai Linh tới dựng rạp, sân khấu chiếm dụng sân chơi tầng 5 khi chưa thông qua ý kiến của người dân. Điều đáng nói, khi sự việc xảy ra, mọi người đã gọi điện cho bảo vệ của tòa nhà, nhưng hơn nửa tiếng sau mới thấy bảo vệ có mặt.

 

Keangnam và những cái “nhất” tai tiếng - 4
Cư dân của Keangnam phản đối việc bị côn đồ vào hành hung

 

Mới đây nhất, vào trưa 3/12, do bất đồng về phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam đã cắt điện, hạn chế thẻ sử dụng thang máy của cư dân. Cuối cùng, sau gần 4 tiếng đàm phán cùng với với sức ép từ phía chính quyền, gần 22h tối qua (4/12), ông Ha Jong Suk đã nhượng bộ và ký vào văn bản cam kết với chính quyền và ban đại diện lâm thời là không hạn chế quyền sử dụng thang máy của người dân. Chủ đầu tư cũng cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào nữa. Ông Ha cũng hứa sẽ đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau.

 

Cư dân cho rằng việc chủ đầu tư ép cư dân đóng phí dịch vụ cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP trong khi chất lượng không đảm bảo là điều phi lý. Phía chủ đầu tư thì khẳng định nếu cư dân không đóng phí, ban quản lý sẽ không thể vận hành tòa nhà.

 

Theo Linh Vân

DĐDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm