Jack Ma bị trừng phạt khiến giới doanh nhân Trung Quốc dè chừng
(Dân trí) - Việc người đồng sáng lập của tập đoàn Alibaba đột ngột bị trừng phạt khiến giới công nghệ Trung Quốc phải dè chừng.
Chỉ trong vòng 40 năm, Trung Quốc đã mở cửa đáng kể nền kinh tế, trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của thế giới. Giờ đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện những kế hoạch tham vọng nhằm đưa nước này trở thành cường quốc công nghệ.
Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đang bị lung lay sau loạt đòn trừng phạt của chính phủ Trung Quốc nhắm vào đế chế của tỷ phú Jack Ma.
Theo Bloomberg, các doanh nhân và nhà đầu tư tại Trung Quốc cho biết, việc người đồng sáng lập của Tập đoàn Alibaba đột ngột bị trừng phạt khiến giới công nghệ Trung Quốc phải dè chừng.
Chủ một công ty khởi nghiệp ở tỉnh Chiết Giang (quê hương của Ma) cho hay, ông đã không còn khao khát phát triển công ty lên quy mô như Alibaba nữa vì lo sợ bị chính phủ chú ý.
Một người khác nói rằng, ông đã không dám diễn thuyết trước công chúng nữa và có kế hoạch tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh robot ở nước ngoài.
Trong khi đó, một nhà đầu tư mạo hiểm từng rót vốn cho hàng chục công ty khởi nghiệp cho biết, câu chuyện của ông Ma sẽ khiến các doanh nhân cẩn trọng hơn, đặc biệt khi cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong khi đó, những người ủng hộ việc trừng phạt Alibaba, Ant Group và các "ông lớn" công nghệ trong và ngoài Trung Quốc cho rằng cần phải loại bỏ tình trạng độc quyền và nuôi dưỡng sự sáng tạo của các công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Bloomberg, hơn một chục sáng lập viên và nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại với các đòn trừng phạt mạnh tay của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ. Thậm chí, một số người bày tỏ họ sẽ cân nhắc có nên tham gia vào ngành chiến lược quan trọng này hay không.
"Đối mặt với chính phủ Trung Quốc là cuộc đánh đổi giữa đổi mới và quy định", bà Lizhi Liu, Phó giáo sư tại Đại học Georgetown, nói. Theo bà, rất khó để đạt được sự cân bằng giữa việc tuân thủ quy định và làm thế nào để những quy định đó không ảnh hưởng đến việc đổi mới và tăng trưởng.
Trước khi bị "ghẻ lạnh", Jack Ma là tỷ phú công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc, giống như Bezos, Gates hay Steven Jobs. Rất ít người Trung Quốc thành công trong lĩnh vực công nghệ trước khi ông Ma sáng lập nên Alibaba vào năm 1999.
Nhưng giờ đây, câu chuyện của ông Ma khiến cho mọi người trở nên cảnh giác hơn. Sau bài phát biểu chỉ trích các cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, đế chế của ông Ma liên tiếp gặp họa.
Đầu tiên là vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group - một công ty do ông sáng lập - bị đột ngột hủy chỉ trước vài ngày diễn ra. Tiếp đó, Alibaba bị điều tra chống độc quyền. Ông Ma sau đó cũng đã không xuất hiện trước công chúng, ngoại trừ trong một đoạn video ngắn hồi tháng 1 với lời lẽ thận trọng về chủ đề giáo dục nông thôn - một ưu tiên của chính phủ Trung Quốc.
Một startup từ tỉnh Chiết Giang cũng cho biết, ông và các đồng nghiệp đã không còn thảo luận về ông Ma trên WeChat. Trước đó, họ thường gọi tỷ phú này là "thầy giáo Ma", nhưng giờ thì không.
Họ nhận ra rằng Jack Ma không phải là trường hợp cá biệt. Vì vậy, họ đang loại bỏ những dịch vụ mà có thể ảnh hưởng đến Bắc Kinh. Nhân viên bán hàng cũng thôi sử dụng các từ "lớn nhất", "tốt nhất" trong ngành này, tránh bị để ý.
Trong khi đó, theo chủ một công ty khởi nghiệp phần mềm, ông đang hợp tác với chính phủ để bảo vệ công ty mình bằng cách mời các quỹ đầu tư của Nhà nước mua cổ phần của công ty, thậm chí trở thành cổ đông lớn.
Theo một số nhà đầu tư mạo hiểm, việc Bắc Kinh mạnh tay với cuộc chiến chống độc quyền có thể tác động động tích cực đến các công ty khởi nghiệp trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, sự can thiệp của chính phủ có thể làm tổn hại đến tăng trưởng và đổi mới.