Iran tấn công trả đũa Israel, giá dầu có thể tăng dựng đứng

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Iran, một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã phát động đòn tấn công trả đũa nhằm vào Israel. Các chuyên gia dự báo việc này có thể đưa giá "vàng đen" lên mức 130 USD/thùng.

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã khiến giá dầu tăng 1% trong phiên giao dịch ngày 12/4 do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Dầu thô Brent đang ở mức 90,45 USD/thùng, dầu thô WTI tăng lên 85,66 USD/thùng.

Theo Reuters, tác động của cuộc xung đột Iran - Israel với thị trường dầu mỏ toàn cầu là rất lớn, vì bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể dẫn đến tăng giá.

Việc Iran tấn công Israel sẽ tăng thêm áp lực, khiến giá dầu thô có thể tăng lên gần mức cao nhất trong 6 tháng. Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông trong vài tuần gần đây khiến giá dầu thô của Mỹ tăng hơn 5% và giá dầu thô Brent tăng gần 6%.

Các nhà phân tích dự đoán rằng nếu cuộc tấn công của Iran dẫn đến một cuộc chiến rộng hơn, phí bảo hiểm rủi ro sẽ tăng 5-10 USD/thùng, khiến giá có thể tăng lên trên 100 USD/thùng.

"Có rất nhiều lý do địa chính trị để lo ngại về rủi ro nguồn cung", chuyên gia Claudio Galimberti, Phó chủ tịch của hãng năng lượng Rystad Energy, chia sẻ với Yahoo Finance về xu hướng tăng giá dầu trong tuần này.

"Vì vậy, tôi cho rằng việc giá dầu tăng lên mức 3 chữ số không còn xa vào thời điểm này. Đây chắc chắn là mức giá có thể đạt được trong vài tháng tới", ông nói thêm.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng các yếu tố như việc tiếp tục cắt giảm sản lượng OPEC+, và việc xung đột Nga - Ukraine leo thang là những chất xúc tác chính đẩy giá tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian tới.

Ông Manish Raj, giám đốc công ty đầu tư Velandera Energy Partners, cho biết vũ khí bí mật của Iran là khả năng phong tỏa eo biển Hormuz.

Iran tấn công trả đũa Israel, giá dầu có thể tăng dựng đứng - 1

Bản đồ khu vực eo biển Hormuz (Ảnh: BBC)

Eo biển Hormuz, tuyến đường biển giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman, là điểm vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới. Trong nửa đầu năm 2023, lưu lượng dầu qua eo biển này đạt trung bình 21 triệu thùng/ngày, chiếm 21% lượng tiêu thụ dầu mỏ dạng lỏng toàn cầu.

Ông Bob McNally, chủ tịch quỹ Rapidan Energy, nêu nếu căng thẳng leo thang đến eo biển Hormuz, giá dầu sẽ có thể lên mức 120 USD hoặc 130 USD/thùng.

Ông Rob Thummel, giám đốc điều hành của công ty đầu tư năng lượng Tortoise, cũng dự đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thiếu nguồn cung trong quý II và quý III năm nay.

Ấn Độ, với tư cách là một trong những nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn nhất, đặc biệt dễ bị tổn thương trước những diễn biến như vậy. Sự leo thang có thể gây nguy hiểm cho nguồn cung dầu của Ấn Độ vì nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Đông.

Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga, chiếm hơn 35% lượng dầu thô nhập khẩu vào năm 2023, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đối với nguồn cung dầu.

Theo CNBC, Reuters, Yahoo Finance