iMoney số 24: Mua ô tô khi chỉ có 200 triệu đồng, nên hay không?
(Dân trí) - Bạn trẻ tự mua ô tô không còn là chuyện hiếm. Vậy nếu có 200 triệu đồng, bạn có nên mua một chiếc xe?
Có nên vay nợ mua ô tô?
Sở hữu ô tô trước tuổi 30 với nhiều người trẻ không còn là việc khó khăn. Trong iMoney số 23, một số bạn trẻ đã chia sẻ bí kíp làm sao để đạt được mục tiêu mua ô tô trước tuổi 30. Theo đó, đầu tiên là bạn phải có một bản kế hoạch chi tiết về việc mua ô tô, mua loại nào, bao nhiêu tiền, khi nào mua. Từ đó bạn lên kế hoạch mỗi tháng phải tiết kiệm bao nhiêu. Cách thứ hai là đi vay ngân hàng, thậm chí vay người thân, bạn bè. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm, nhược điểm riêng và phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh.
Trở lại với câu hỏi nếu bạn chỉ có 200 triệu đồng thì có nên mua ô tô hay không, trong gần 2.900 người tham gia khảo sát trên Dân trí thì có 73% cho rằng nên chờ tích đủ tiền rồi mua, 27% tán thành nên mua ngay, số tiền còn thiếu có thể đi vay ngân hàng hoặc mua theo hình thức trả góp.
Quốc Dũng (sinh năm 1993) ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) quyết định vay ngân hàng để mua xe. Năm 2019, vợ chồng anh mua chiếc Hyundai Elantra với giá lăn bánh là hơn 700 triệu đồng, trong đó 500 triệu đồng là tiền vay ngân hàng. "Vì nhà có con nhỏ và công việc phải di chuyển nhiều nên tôi quyết định mua xe. Vợ chồng tôi đã vay họ hàng, bạn bè tiền mua nhà, còn xe tính vay ngân hàng. Thủ tục giải ngân bây giờ cũng dễ, chỉ cần mình chứng minh được thu nhập hàng tháng và có tài sản đảm bảo là vay được", anh cho biết.
Thời điểm đó, Dũng vay 500 triệu đồng với thời hạn là 7 năm. Năm đầu tiên anh được hưởng lãi suất ưu đãi, sang năm thứ hai lãi suất sẽ được tính theo lãi suất thả nổi của ngân hàng (lãi suất huy động cộng với biên độ). "Nhờ có thu nhập ổn định, việc trả lãi hàng tháng với vợ chồng tôi không quá áp lực. Tuy nhiên, có mấy điểm tôi không hài lòng là các ngân hàng hiện nay đều yêu cầu chúng tôi mua bảo hiểm xe tại ngân hàng mới được hưởng ưu đãi. Không chỉ một mà nhiều ngân hàng đều yêu cầu vậy", anh cho biết.
Đồng thời, anh Dũng cũng cho biết, việc vay mua xe thường có thời gian trả nợ dài 7 - 8 năm. Nếu khách trả nợ sớm sẽ bị phạt tiền với mức lãi suất 2 - 3% kể từ năm thứ hai. "Mua xe hay mua nhà mà vay được bạn bè, người thân là tốt nhất. Vay qua ngân hàng cũng tốt nhưng phải đảm bảo được kế hoạch trả nợ nếu không đến hạn không trả được nợ thì khả năng không còn xe để đi", anh Dũng khuyên.
Không vay ngân hàng nhưng chị Thu Trang (Mỹ Đình, Hà Nội) lại được người thân cho vay 300 triệu đồng để mua chiếc Toyota Vios từ năm 2020. Dù không áp lực về việc trả lãi vay như vay ngân hàng, nhưng vợ chồng chị cũng phải sớm thu xếp để trả cho người thân càng sớm càng tốt. "Nợ thì đương nhiên phải trả, nợ ai cũng vậy. Nên nếu cảm thấy có nguồn thu để trả thì hẵng vay để mua, còn không thì cố gắng đợi thêm thời gian nữa", chị Trang nói.
Vay tiền mua ô tô có dễ?
Theo khảo sát của phóng viên, hiện các ngân hàng thương mại đều có các gói cho vay mua ô tô với mức lãi suất từ 7,5%/năm trong vòng 12 tháng đầu tiên, sau đó lãi suất thả nổi (lãi suất tiền gửi của ngân hàng tại thời điểm đó + biên độ là 3,5-4,5% tùy ngân hàng). Thậm chí có ngân hàng còn áp mức lãi suất cao ngất ngưởng 9-9,5% trong 3 tháng đầu tiên, các tháng sau đó là 11-11,5%/năm.
Thời hạn trả nợ là 7 năm, nhưng nếu khách trả sớm trước hạn trong năm đầu tiên sẽ bị phạt 1-2%, năm thứ hai từ 0,5-2%.
Theo các ngân hàng, nếu khách hàng muốn vay mua ô tô ở ngân hàng thì phải chứng minh được tài chính, mức thu nhập cá nhân. Số tiền cho vay tối đa của các ngân hàng là khoảng 70 - 80% giá trị xe mới và khách phải mua bảo hiểm ô tô của ngân hàng trong suốt quá trình vay. Nếu trả nợ trước hạn, khách sẽ bị phạt tiền theo quy định của từng ngân hàng.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam cho rằng, các bạn trẻ không nên vay ngân hàng mua ô tô khi chỉ có lượng tiền nhỏ trong tay. Nếu muốn di chuyển bằng ô tô, mọi người có thể chọn các hãng xe công nghệ thì chi phí sẽ rẻ hơn. "Bạn chỉ nên vay xe khi thu nhập hàng tháng khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng. Để mỗi tháng, bạn trừ đi tiền nuôi xe, trả lãi vay ngân hàng thì vẫn còn dư 5 - 10 triệu đồng tiền tích lũy", ông Nam nói.
Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, người trẻ hãy mạnh dạn vay tiền mua ô tô nếu có đủ khả năng tài chính. Trong xã hội phát triển, cho vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu và phù hợp với các bạn trẻ. Nếu mua ô tô giúp mọi người có công việc, sức khỏe tốt lên thì đây là quyết định đúng đắn. Vì khi ngân hàng xuống tiền và chấp nhận cho bạn vay thì họ sẽ xác minh về tài chính, khả năng trả nợ của bạn.