iMoney số 2: Bật mí về món đầu tư kếch xù nhưng lỗ của MC Nguyên Khang

(Dân trí) - Với iMoney chủ đề "Kiếm tiền để tiêu hay kiếm tiền để cất?", MC Nguyên Khang đã có những chia sẻ rất cởi mở, thẳng thắn, thậm chí có những chi tiết lần đầu tiên được kể về kiếm và tiêu tiền.

MC Nguyên Khang chia sẻ về tiền bạc, kiếm và tiêu tiền cũng như những kinh nghiệm trong tiêu dùng, đầu tư

Tiêu tiền hay cất tiền thì tốt hơn?

Theo Nguyên Khang, tiền bạc khá là quan trọng vì trong cuộc sống hiện đại không có tiền thì hầu như chẳng làm được gì cả. Tuy nhiên, anh xem tiền bạc là công cụ, tức là anh dùng tiền để thực hiện nhu cầu, ước mơ… mà không bị lệ thuộc hay bị đồng tiền cám dỗ. Đồng tiền thông minh là đồng tiền biết cách sinh lãi.

Khi được hỏi là tiêu tiền hay cất tiền sẽ tốt hơn, Nguyên Khang nói: Tiêu hay cất tùy thuộc vào thứ mà người cầm đồng tiền muốn. Với anh, trong cuộc đời, có giai đoạn anh tiêu, nhưng cũng có giai đoạn anh cất, nhưng không bao giờ hoàn toàn tiêu hết hay hoàn toàn cất hết.

Anh cho biết luôn lập một kế hoạch, công thức cho tiêu và cất tiền. "Ví dụ tôi sẽ tiêu tiền trong đầu tư những thứ cần thiết cho bản thân. Là người dẫn chương trình nên tôi thường đầu tư nhiều cho vấn đề về hình ảnh ví dụ trang phục, việc đi lại… Ngoài ra thì tôi đầu tư cho hệ thống nhà hàng của mình để nuôi giấc mơ kinh doanh", anh nói.

Vậy thì tiêu tiền và cất như thế nào cho hợp lý?

Nguyên Khang quan điểm, tiêu hợp lý có nghĩa là tiêu vào cái mà mình nghĩ sẽ có lợi cho công việc của bản thân. "Nói một cách đơn giản tức là khi tôi tiêu vào cho công việc, nghề nghiệp của mình có nghĩa là tôi đang đầu tư, chứ không phải tôi ăn xài, tôi mua sắm, tại vì những việc như chúng ta ăn xài, mua sắm một cách hoang phí thì chắc chắn nó không phải là một sự đầu tư hợp lý. Nhưng nếu mình đầu tư nó vào cái việc mà chắc chắn nó sẽ giúp mình từ 10 đồng có được 20 hay 30 đồng thì tôi nghĩ đó là việc tiêu tiền khá là thông minh", anh bày tỏ.

Còn nếu như cất tiền vào két sắt, bỏ đồng tiền một chỗ, trói chặt chân đồng tiền thì sẽ chẳng sinh lời được. Thay vào đó, anh khuyên có thể tìm một cơ hội nào đó, quỹ đầu tư, hay để dành để kinh doanh nào đó. Dĩ nhiên, việc kinh doanh không dễ, và đặc biệt vay để kinh doanh thì chỉ nên chọn vay khi thiếu phần ít, còn nếu mượn nợ nhiều thì không ổn, khi đó chạy theo trả nợ, trả lãi cũng mệt mỏi.

iMoney số 2: Bật mí về món đầu tư kếch xù nhưng lỗ của MC Nguyên Khang - 1

Nguyên Khang quan niệm đồng tiền thông minh là đồng tiền biết cách "đẻ ra tiền" (Ảnh: NT).

Hãy để tiền đẻ ra tiền

MC này cũng khẳng định anh "không cất tiền". Với anh, cất tiền có nghĩa là giam đồng tiền lại và đó không phải là sự đầu tư thông minh. "Chi bằng hãy để đồng tiền di chuyển đến vị trí, những nơi giúp cho nó sinh lời", anh bày tỏ. Dẫn chứng câu nói của người Anh "Money makes money", anh diễn giải, điều đó có nghĩa là hãy để tiền đẻ ra tiền.

"Nếu để đồng tiền vào trong ngân hàng thì mỗi tháng bạn sẽ lấy được chút lãi, đó là sự đầu tư an toàn nhưng mà tôi không thích. Tôi thích cái gì mạo hiểm hơn, rủi ro hơn càng rủi ro, thử thách càng lớn thì bạn càng có thể trúng lớn chẳng hạn. Nhưng đó là sự rủi ro nằm trong mức kiểm soát được khi mà khủng hoảng xảy ra", anh chia sẻ.

Nếu kiếm được 10 đồng, Nguyên Khang sẽ chia thành 3 mục đích: đầu tư cho công việc, sử dụng để lo cho gia đình, thực hiện những ước mơ. Mục đích đầu tiên được anh dành phần lớn, sau đó đến thứ hai, cuối cùng là thứ 3. Anh nói thường sẽ trích khoảng 10-20% số tiền kiếm được để duy trì hoạt động thiện nguyện, quỹ từ thiện, hoặc cũng có thể là đi du lịch… tóm lại là cho các sở thích, ước mơ. Lời khuyên của anh là mỗi người hãy luôn lập kế hoạch chi tiêu hợp lý và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó.

"Bây giờ bạn có 10 đồng, bạn có kế hoạch chi tiêu thì khi bạn có 100 đồng, 1000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng thì nó hoàn toàn nằm trong kế hoạch sử dụng đồng tiền", anh nói.

Khang nói anh thường chia trứng ra nhiều giỏ và chăm sóc nó rất kỹ để trứng đó nở ra thành đàn gà con và tiếp tục đàn gà đó đẻ trứng, tiếp tục chia ra nhiều giỏ nữa. Việc chia ra nhiều giỏ sẽ phần nào giúp hạn chế rủi ro.

"Ví như khủng hoảng Covid-19, hệ thống nhà hàng của tôi tại TPHCM cũng bị đóng cửa mà tôi vẫn phải nuôi mặt bằng, phải trả nhân viên thì tiền đâu tôi có. À thì cái tiền tôi đi làm MC để dành lo được cho nhà hàng", anh nói. MC này chia sẻ thêm anh vẫn hy vọng hệ thống nhà hàng phát triển để một ngày nào đó công việc và những thuận lợi có được từ nhà hàng sẽ giúp anh nuôi ngược lại giấc mơ MC như có một talkshow cho riêng mình hay có một ê-kip sẵn sàng hỗ trợ trong việc tạo ra những nội dung media.

Khoản đầu tư đầu tiên kếch xù nhưng… lỗ

Nguyên Khang nói anh nghĩ tới đầu tư từ nhỏ, vì người Việt Nam có câu "phi thương bất phú". Anh sinh ra trong gia đình khó khăn chứ "không phải từ vạch đích", vì thế mà anh thấy bản thân phản nỗ lực nhiều lần. "Chính vì vậy tôi nghĩ đến việc kinh doanh, mình phải đầu tư nhưng phải lựa chọn kênh đầu tư nào mà mình phải hiểu về nó, mình nắm chắc được cái gọi là % thành công thì mình mới dám làm".

Anh chia sẻ mua vé số cũng là một dạng đầu tư. Vì nếu mua vé số, người mua có cơ hội thành tỷ phú. Nhưng anh thấy mình chẳng bao giờ may mắn nên đó không phải kiểu đầu tư của anh. Anh đầu tư hệ thống nhà hàng vì nghĩ mình có khả năng tạo mối quan hệ, am hiểu món ăn. Việc có thể vận hành cùng ê-kip, những người quản lý, cộng sự giỏi, đó là lúc anh nghĩ về việc phải phát huy thế mạnh bản thân.

Về khoản đầu tư đầu tiên, Nguyên Khang nói: đó là một khoản kếch xù và khoản lỗ to đùng. Anh kể từng thích xe hơi, rất mê xe hàng hiệu nên ngay từ khi vừa chuẩn bị ra thì anh đã nuôi ước vọng mua một chiếc xe hơi "xịn xò" để chạy. Và sau một thời gian, anh mới phát hiện ra sự hoang phí trong việc đầu tư này.

iMoney số 2: Bật mí về món đầu tư kếch xù nhưng lỗ của MC Nguyên Khang - 2

Anh từng có khoản đầu tư kếch xù nhưng xét về mặt nào đó khoản đầu tư đó lại lỗ (Ảnh: NT).

"Thật ra cuối cùng thì giá trị của chiếc xe cũng là đi lại, che nắng mưa. Nên việc "nuôi" một chiếc xe quá xịn khiến tôi phải gánh chi phí, và giải bài toán quá lớn về việc chăm sóc, sửa chữa. Khoản đầu tiên tôi đầu tư trong cuộc đời như thế, theo tôi là một khoản lỗ. Mặc dù nó mang cho tôi khá nhiều giá trị và lợi ích nhưng tôi nghĩ nếu như tôi dùng số tiền đó làm việc khác thì tôi nghĩ mình sẽ có ích hơn rất là nhiều", anh bày tỏ.

Nguyên tắc đầu tư của Nguyên Khang là gì?

Không có nguyên tắc đầu tư cụ thể, Nguyên Khang cho biết anh thường đọc những sách kinh doanh của những người giỏi về đầu tư. Có một câu nói là người thành công nói dở cũng thành hay mà người thất bại nói hay cũng thành dở.  cho biết luôn nghe những người đầu tư thành công nói, chia sẻ câu chuyện của họ vì nó đúc kết từ những bài học kinh nghiệm, thực tiễn cuộc sống của họ và đôi khi rất khó để truyền, dạy cho ai. Chỉ có người chịu khó nắm bắt, chịu có tìm tòi thì mới có thể nắm được. Những cái giá trị đó đúc kết bằng kinh nghiệm, xương máu. "Chính vì vậy tôi rất muốn được học hỏi từ những người thành công để giúp cho mình có thể tiến nhanh hơn", anh nói. 

Đến lúc nào đó, độ tuổi nào đó, chúng ta sẽ thông minh lên

Nguyên Khang chia sẻ, tiêu dùng thông minh là mua cái cần mua chứ không phải mua cái mình thích. Anh nói, hiện thế giới phẳng nên nhu cầu mua sắm online rất lớn, chỉ cần ngồi nhà quẹt thẻ là đã có thể mua hàng nhưng việc mua hàng cần được tính toán. "Hãy mua cái mà mình có thể sử dụng nhiều lần, tái sử dụng hoặc dùng cho nhiều mục đích, như vậy là sự tiêu dùng thông minh", anh bày tỏ.

Lấy ví dụ về chuyện mua xe, anh nói nếu như ngày đó thay vì mua xe sang thì mua một chiếc xe vừa phải, tiền còn lại dùng để đầu tư thứ khác, chẳng hạn như một căn hộ rồi cho thuê lại thì có thể giúp anh có một bài toán thu nhập, đỡ đi phần nào vấn đề gánh nặng kinh tế nếu có. "Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, vào một độ tuổi nào đó, chúng ta tự nhiên sẽ thông minh lên, cách chi tiền cũng hợp lý hơn rất nhiều", nam MC nhận định.

iMoney số 2: Bật mí về món đầu tư kếch xù nhưng lỗ của MC Nguyên Khang - 3

Khang nói anh không giỏi đưa ra lời khuyên, và cũng không có khái niệm của giá trị gọi là nên tiêu tiền hay đầu tư, mà ở đây chỉ có khái niệm dùng đồng tiền làm sao cho hợp lý nhất (Ảnh: NT).

Người trẻ nên tiêu tiền hay cất tiền?

Khang nói anh không phải người giỏi đưa ra lời khuyên vì bản thân anh không quá thành công. Anh cho rằng, trong cuộc sống, mỗi người lại có một mục tiêu, có người thích tận hưởng cuộc sống khi còn trẻ, có người sinh ra trong gia đình có điều kiện thì họ cũng hoàn toàn có thể hưởng thụ, tiêu tiền. Nhưng với người khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng, sinh ra trong hoàn cảnh ngoài khó, anh cho rằng nếu muốn đổi đời thì phải biết tiết kiệm, biết dùng đồng tiền sao cho hợp lý.

"Tôi không phủ nhận rằng đầu tư vào những kênh giúp bạn sinh lời nhưng tôi rất mong là bất cứ hình thức nào chúng ta đầu tư hoặc bỏ vào số vốn quá lớn trong đó thì nên tìm hiểu về nó, có kiến thức về nó, chưa kể là có những yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có nghĩa là đầu tư đúng thời điểm, gặp đúng người hướng dẫn và thứ ba là bản thân mình cũng phải thông minh", anh bày tỏ.

"Cho nên, ở đây không có khái niệm của giá trị gọi là nên tiêu tiền hay đầu tư, mà ở đây chỉ có khái niệm dùng đồng tiền làm sao cho hợp lý nhất", anh đúc kết.