iMoney: Nên kiểm soát chi tiêu ra sao dịp Tết?

Thảo Thu

(Dân trí) - Chi tiêu không dẫn đến nợ, đặt ngân sách mua sắm từ đầu, lên kế hoạch sớm… là những bí kíp để quản lý chi tiêu dịp Tết.

Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Quý Mão. Dịp Tết, tâm lý chung của phần đông là hào hứng việc thăm quê nhà. Nhiều người cũng coi Tết là giai đoạn được thư giãn sau một năm làm việc.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, thực tế cho thấy tài chính của nhiều người có thể bị ảnh hưởng nặng. Và nếu không có kế hoạch tài chính từ đầu, bất kỳ ai đều dễ dẫn đến không kiểm soát được tài chính.

Giới trẻ chi tiêu ra sao cho dịp Tết? (Video: Hải Phương).

Nhưng làm thế nào để mua sắm cho dịp Tết sắp tới một cách cho đầy đủ, chất lượng, nhất là khi một số người cuối năm sẽ có một khoản tiền lớn là thưởng tết và một số người khác vẫn muốn được chi tiêu mạnh cho Tết như phần thưởng cho bản thân sau một năm làm việc?

Dưới đây là tư vấn của chuyên gia tài chính Mina Chung - Nhà sáng lập Money With Mina, nền tảng cộng đồng phụ nữ với mục tiêu truyền cảm hứng và an tâm tài chính đến cho 50 triệu phụ nữ tại Việt Nam:

Chi tiêu không được dẫn đến nợ

Đây là thời gian nhiều người sẵn sàng mắc nợ vì nghĩ còn tới 12 tháng trong năm tới nên sẽ làm để mà trả nợ sau. Nhưng thực tế, khủng hoảng tài chính khác có thể tới bất ngờ giống dịch Covid-19. Khi đó, mức thiệt hại tài chính sẽ nhiều gấp bội.

Vì vậy, nếu không kiểm soát chi tiêu, trong một năm tiếp theo bạn sẽ cảm thấy rất stress và áp lực để làm việc, trả phần nợ đang hiện hữu. Tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều phiền phức, nhất là thời điểm đánh dấu một năm mới sau Tết trở lại làm việc áp lực để trả lại những phần đã tiêu xài. 

Thiết lập ngân sách cụ thể

Việc lập ngân sách cụ thể phải làm từ trước đó, song với những người chưa đặt ra thì cần thiết lập ngân sách ngay để xem lại tài chính. Từ đó, mỗi người có thể tính toán xem phần dư cuối năm còn bao nhiêu để tính toán phần chi tiêu cho Tết và cũng thiết lập ngân sách cho 12 tháng tiếp theo.

Cần đưa ra con số tối đa trong việc chi tiêu cho mùa Tết và chỉ được phép lên danh sách mua hàng trong ngân sách đã đặt ra, không được vượt quá.

Hiện có nhiều app giúp quản lý chi tiêu, có thể tận dụng để thiết lập ngân sách, kiểm soát dòng tiền vào - ra, số dư còn lại, tính toán việc vay (nếu có)... 

Lên kế hoạch sớm

Trên thực tế, nhiều người vẫn chưa thực hiện được việc này do cảm thấy phức tạp. Nhưng nếu bắt đầu từng bước nhỏ, việc lên kế hoạch sẽ không quá khó. Bạn sẽ nhận ra việc lên kế hoạch sớm không chỉ giúp được trong một năm mà còn có thể giúp cho những dịp Tết lần sau và đặc biệt giúp bạn nhìn ra dự toán tài chính trong tương lai.

Chuẩn bị mọi việc sớm cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế. Ví dụ, bạn có thể săn deal rẻ, mua hàng tồn dự trữ trước, không đợi tới cận Tết để phải mua với giá thành cao hơn bình thường. Ngoài ra, bạn cũng có thời gian để so sánh, lựa chọn những hàng tốt, giá cả phù hợp để mua...

Quan trọng nhất, lập kế hoạch sớm cho phép cá nhân được cân nhắc, so sánh thay vì phải bấm bụng chi tiền vì không còn lựa chọn tốt hơn. Nhờ đó, những ngày cuối năm, đầu Tết của bạn sẽ trôi qua nhẹ nhàng, trọn vẹn.