Giới trẻ chi tiêu Tết: Tiết kiệm cả năm, "nướng" sạch vì Tết

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Có không ít bạn trẻ quan niệm: "Mỗi năm chỉ có một lần Tết, cứ tiêu thoải mái, năm nay phải hơn năm trước", hay "Đi làm cả năm chắt chiu cũng chỉ để chi tiêu cho ngày Tết"...

Chi tiêu như thế nào là quyền của mỗi người, nhưng việc có những bạn trẻ chi cả chục triệu đồng, "nướng" sạch số tiền tiết kiệm được sau một năm làm việc, cho dịp Tết khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

"30-40 triệu đồng vẫn thấy thiếu"

Thu nhập không những không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, mà thậm chí còn cao hơn so với năm trước nên Mạnh Tiến (27 tuổi, Hà Nội) quyết định năm nay sẽ chi mạnh tay cho những ngày Tết bên gia đình.

Giới trẻ chi tiêu Tết: Tiết kiệm cả năm, nướng sạch vì Tết - 1

Mạnh Tiến nhẩm tính số tiền cần phải chi tiêu trong dịp Tết này là khoảng 30-40 triệu đồng và thấy như vậy vẫn thiếu.

"Với mình, chi tiêu bao nhiêu cho cái Tết không quan trọng, thậm chí mình có thể dùng cả tháng lương thứ 13 và thưởng mang về biếu bố mẹ tiêu Tết", anh Tiến nói.

Chàng trai 27 tuổi chia sẻ: "Hàng tháng mình đều gửi tiền về cho bố mẹ, nhưng may mắn công việc không bị ảnh hưởng nên Tết muốn biếu thêm bố mẹ nhiều một chút.

Chỉ tính tiền quần áo mặc mấy ngày Tết cũng mất gần 10 triệu đồng, chưa kể còn cho em gái, mua sắm thêm cây đào, cây quất cho có không khí Tết nữa. Mình muốn năm nay sẽ là "ATM" chi tiêu Tết trong gia đình, bởi dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc của bố mẹ".

Bên cạnh đó, Mạnh Tiến dự kiến dành ra khoảng 10 triệu đồng cho việc lì xì lấy may.

"Tết là dịp mọi người tạm gác lại công việc và những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, người thân, cùng nhau đón chào những điều may mắn, nên mình không muốn bố mẹ phải bận tâm vấn đề kinh tế", Mạnh Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, từ một người hàng ngày mua gì cũng phải "nâng lên, hạ xuống" nhưng khi cái Tết cận kề, Hoàng Hải (29 tuổi, quê Bắc Giang) cũng quyết định dùng hết số tiết kiệm cả năm để chi tiêu Tết.

"Mình thì luôn quan niệm cả năm có thể thắt lưng buộc bụng nhưng mấy ngày Tết nhất định phải tiêu mạnh tay, sắm sửa đủ thứ cho bằng bạn bằng bè", Hoàng Hải bày tỏ.

Thứ khiến anh tốn kém nhất chính là thú vui sắm các cành đào độc lạ thường có giá cả chục triệu đồng. "Tôi thích những gốc đào đá, đào mốc chở từ Lào về, thân còn xù xì "lên men", bám đầy dương xỉ, rễ cây, rêu tảo…", Hoàng Hải chia sẻ.

Giới trẻ chi tiêu Tết: Tiết kiệm cả năm, nướng sạch vì Tết - 2
Cây đào mà anh Hải đã nhắm để mang về gia đình nhỏ trong dịp Tết năm nay.

"Đào trồng ở vùng núi Tây Bắc thường có hoa to mập và đỏ thắm. Đến đêm Giao thừa, những cánh đào đỏ thắm sẽ nở bung, báo hiệu một mùa xuân ấm áp, ấm no. Tôi mê đào đến mức, dù có sắm Tết đầy đủ như thế nào, nhưng chưa có cành đào trong nhà, là coi như chưa có Tết, ruột gan tôi cứ chộn rộn", Hoàng Hải tâm sự.

Đừng biến mình thành "con nợ"

Trà My (Hà Nội) cho rằng, nếu dịp Tết không bày vẽ thì sẽ nhẹ nhàng, ấm áp hơn nhiều. "Đừng biến mình thành con nợ hay "cháy túi" chỉ vì cái sĩ diện trong ba ngày Tết", cô nói.

Giới trẻ chi tiêu Tết: Tiết kiệm cả năm, nướng sạch vì Tết - 3

Trà My cũng bật mí cách chi tiêu Tết hiệu quả là lập kế hoạch cụ thể.

My cho rằng cần lập bảng chi tiêu cụ thể các khoản cần chi tiền trong dịp Tết, từ làm đẹp cho bản thân đến lên danh sách các đồ cần mua, các khoản tiền cần biếu, tiền lì xì… Trước khi đi mua sắm Tết nên lập kế hoạch cụ thể mua gì, dự trù bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó rồi đến nơi chỉ cần đi tìm những đồ mình cần nhằm tránh sa đà vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Trà My quan niệm: "Hoa vừa đủ đẹp không cần phải chậu này bình kia đầy nhà hay hoành tráng. Quần áo đủ mặc, xinh đẹp lịch sự không nhất thiết phải hiệu này hãng nọ. Thực phẩm vừa đủ ăn, không nên mua thừa quá nhiều.

Một năm đã qua, hãy cùng ngồi lại chia sẻ với nhau xem người thân năm qua ra sao, bạn bè sức khỏe như thế nào... Hãy bớt lắng lo hình thức, bỏ luôn nỗi sợ bị phán xét bởi người ngoài. Hãy đơn giản, nhìn sâu vào giá trị thật của Tết. Thực hành thay đổi từ cái Tết năm nay đi thôi, rồi bạn sẽ nhận ra Tết vui ghê".

5 cách chi tiêu hợp lý trong ngày Tết

Hoàng Ngọc Khánh Linh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng đã bật mí 5 cách để chi tiêu hợp lý trong dịp Tết; đó là: Không đặt nặng giá trị quà tặng; Mua thực phẩm đủ dùng; Lên thực đơn sẵn cho 3 ngày tết; Không sa đà các chương trình khuyến mãi tết; Tận dụng đồ có sẵn.

Giới trẻ chi tiêu Tết: Tiết kiệm cả năm, nướng sạch vì Tết - 4

Nhờ chi tiêu hợp lý, Linh không phải lo lắng mỗi khi Tết đến.

Thứ nhất, theo Khánh Linh, khi đi mua quà Tết, không nên vung tay quá trán, chỉ nên mua những món quà phù hợp, bởi của cho không bằng cách cho, Tết là dịp để đoàn viên sum vầy bồi đắp tình cảm gia đình, người thân, không nên đặt nặng giá trị các món quà.

Với thực phẩm, chỉ nên mua vừa đủ cho 3 ngày. "Nhiều người có thói quen tích trữ nhiều đồ ăn vì sợ không đủ khi đông khách, để rồi cả tháng sau tết vẫn chưa hết đồ ăn, nhiều đồ bị hỏng hoặc để lâu mất ngon, rất lãng phí. Chỉ mùng 2 mùng 3 là các chợ đã mở lại, bạn có thể dễ dàng mua thực phẩm mới bổ sung". Khánh Linh nói.

Thứ ba, theo cô, cần lên thực đơn sẵn cho 3 ngày Tết để khi nấu nướng có thể tận dụng hết thực phẩm trong tủ lạnh. Để làm được như vậy, cần có sự tính toán kỹ lưỡng khi đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu.

Thứ tư, Khánh Linh khuyên các bạn trẻ nên thận trọng, tỉnh táo trước các chương trình khuyến mãi Tết, đừng sa đà dẫn tới bỏ tiền mua các đồ không thực sự hữu dụng về nhà rồi lại bỏ phí. Nếu đồ trong danh sách mua sắm của bạn có khuyến mãi thì quá tốt, nhưng nếu hàng khuyến mãi không có trong danh sách mua đã lên từ trước thì nên tránh xa.

Cuối cùng, Khánh Linh cho rằng nên tận dụng những món đồ cũ đã có từ năm trước để chuẩn bị cho dịp Tết, hạn chế sắm đồ mới, như việc mua thêm bát đĩa hay lọ hoa. Nếu có thể, hãy dùng đồ đã sắm từ các tết năm trước một cách sáng tạo, như thay đổi loại hoa, cách cắm...

Ảnh: NVCC