1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

IMF lại hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Ngày 9/10, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3,5% xuống chỉ còn 3,3%. Trong đó tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay được dự báo ở mức 5,1%.

Đây là lần thứ hai  kể từ tháng 4, tổ chức này cắt giảm dự báo triển vọng kinh tế thế giới. Với tiêu đề “Đối diện với nợ cao và tăng trưởng èo uột”, bản cáo cáo dài 250 trang của IMF khẳng định sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn đang diễn ra nhưng yếu ớt. Tại các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng quá chậm chạp không đủ để giúp giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. 
Bất ổn kinh tế đang gây ra bất ổn xã hội tại châu Âu
Bất ổn kinh tế đang gây ra bất ổn xã hội tại châu Âu

Trong khi đó ở các nền kinh tế mới nổi, tốc độ tăng trưởng cũng đã chậm lại. Do đó IMF quyết định điều chỉnh giảm dự báo kinh tế các nước phát triển năm 2013 từ mức 2% được đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 1,5%. Đối với các nước đang phát triển và mới nổi con số dự báo mới nhất cũng chỉ ở 5,6% thay cho mức 6% cách đây 6 tháng. Tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu trong năm tới được dự báo khoảng 3,6%.

Còn trong năm 2012, IMF dự báo con số tăng trưởng chỉ đạt 3,3% và sẽ là năm kinh tế thế giới phát triển chậm nhất kể từ 2009. Trước đó hồi tháng 7, IMF dự báo con số tăng trưởng trong năm nay đạt khoảng 3,5%.  
 
“Vấn đề then chốt lúc này đó là phải chăng kinh tế toàn cầu đã bước vào một đợt hỗn loạn mới với sự phục hồi chậm chạp và khó khăn hay những sự giảm tốc hiện tại sẽ còn kéo dài. Câu trả lời phụ thuộc vào việc liệu các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ và châu Âu có thể giải quyết một cách chủ động những thách thức kinh tế lớn trong ngắn hạn của họ hay không”, bản báo cáo viết.  

Cơ quan này cho rằng các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh gấp 4 lần các nền kinh tế đã phát triển. Dù vậy IMF vẫn hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Ấn Độ và Brazil, trong đó quốc gia Nam Mỹ bị cho rằng sẽ còn tăng trưởng chậm hơn cả Mỹ trong năm 2012.

Nguyên nhân kìm hãm đà phát triển của các nước phát triển theo IMF là không có gì mới, bao gồm: sự thắt chặt về chính sách tài khóa và hệ thống tài chính vẫn còn yếu. Đây là các vấn đề vẫn chưa thể giải quyết kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.  

Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của IMF khẳng định nguy cơ bất ổn kinh tế tại Mỹ vẫn còn ở mức cao trong khi đó hệ thống tài chính châu Âu nhiều khả năng vẫn sẽ trong tình trạng mong manh trong tương lai gần. Việc khắc phục các vấn đề của khu vực eurozone sẽ cần nhiều thời gian.

“Những lo ngại về khả năng kiểm soát khủng hoảng đồng Euro của các nhà lập pháp châu Âu cùng quan ngại về việc các nhà lập pháp Mỹ không tìm ra được sự đồng thuận trong kế hoạch tài khóa chắc chắn có ảnh hưởng lớn nhưng đó là những vẫn đề khó giải quyết”, ông Blanchard nói.

Đối với khu vực châu Á, bản báo cáo của IMF nhận định kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng khoảng 5,4% trong năm nay trước khi trở lại mức 5,8% trong năm tới. Trong đó nhóm các nền kinh tế đã phát triển của khu vực gồm Nhật Bản, Úc và New Zealand sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt 2,2%, 3,3% và 2,2% trong năm nay. Đáng chú ý tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản năm tới được dự báo chỉ đạt 1,2%.

Có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á vẫn sẽ là Trung Quốc với con số dự báo 7,8% trong năm 2012 và 8,2% trong năm tới. Dù vậy mức 7,8% này đã thấp hơn mục tiêu 8% mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. 

Về tình hình kinh tế của Việt Nam, báo cáo của IMF nhận định GDP của nước ta năm nay sẽ tăng trưởng 5,1% trước khi phục hồi trở lại mức 5,9% trong năm 2013. Bản báo cáo cũng dự báo phải đến 2017, tốc độ tăng GDP mới có thể đạt 7,5%.

IMF khuyến cáo Việt Nam nằm trong nhóm nước có lạm phát cao và không nên nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa từ khi có thể giảm tổng cầu nội địa thông qua việc điều chỉnh chính sách tài khóa. Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Việt Nam được dự báo khoảng 8,1% trong năm nay và 6,2% trong năm tới, thấp hơn rất nhiều con số 18,7% của năm 2011.

Thanh Tùng
Theo IMF