IFC khuyến nghị nâng cao vai trò cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài

(Dân trí) - "Việt Nam cần có một “cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới” có đầy đủ nguồn lực và thẩm quyền để chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược Thu hút FDI Thế hệ mới".

Đây là đề xuất của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới tại Hội thảo giới thiệu các khuyến nghị cho Chiến lược FDI thế hệ mới và tầm nhìn 2020 - 2030 của Việt Nam.


IFC khuyến nghị Việt Nam nên có một “cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới”

IFC khuyến nghị Việt Nam nên có một “cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới”

Cụ thể, theo IFC khuyến nghị Việt Nam nên có một “cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới” có đầy đủ nguồn lực và thẩm quyền để chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược Thu hút FDI Thế hệ mới này,

Cục Đầu tư nước ngoài cần được bổ sung nguồn lực, nâng cao vai trò

Theo nhóm này, công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài chưa được hiệu quả như mong muốn là do: Chức năng, nhiệm vụ bị phân tán mạnh giữa nhiều bộ ngành, cơ quan, khiến Việt Nam chưa nắm bắt đầy đủ cơ hội giải quyết những thách thức của việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Việc xúc tiến đầu tư của Việt Nam còn chưa hiệu quả do kết hợp chức năng quản lý cấp phép và xúc tiến đầu tư trong một cơ quan, là những chức năng có sự mâu thuẫn với nhau và không phải là mô hình hoạt động của những cơ quan xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất trên thế giới.

IFC cho rằng: Hiện chưa có tổ chức nào ở Việt Nam có đủ năng lực, trình độ nhân lực và thẩm quyền triệu tập để thực hiện vận động chính sách một cách hiệu quả và xúc tiến đầu tư phù hợp với Chiến lược Thu hút FDI Thế hệ mới.

Tổ chức này cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc lập Hội đồng Quản trị mạnh, có sự ham gia của khối kinh tế tư nhân (tại Cơ quan Quản lý Xúc tiến Đầu tư Thế hệ mới.

Không có doanh nghiệp tham gia vào quản lý chính sách

Theo IFC, nguồn lực để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm trọng điểm còn khiêm tốn, điều này khiến Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức đặc thù – vốn FDI thu hút đạt kỷ lục nhưng hạn chế về “hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng".

"Sự thống trị của các dự án chế tạo, chế biến thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng tương đối thấp đã kéo theo dòng vốn FDI cao nhưng giá trị gia tăng trong nước lại tương đối thấp; việc làm có mức lương thấp; hiệu ứng lan tỏa kém và một “nền kinh tế kép”; chênh lệch về kỹ năng ngày càng lớn và rủi ro rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, IFC nói rõ.

Trả lời báo chí về đề xuất này, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh: Cục ĐTNN chức năng nhiệm vụ không phải xử lý toàn bộ thu hút và quản lý toàn bộ FDI. Trong cơ chế phân cấp hiện nay về các địa phương. Họ có 2 chức năng xúc tiến và tham gia vào quá trình quản lý.

"Bộ máy phân cấp hết rồi, các địa phương hoàn toàn có quyền cấp phép, các địa phương cấp phép rồi và Cục Đầu tư cũng chưa nắm bắt được (nắm bắt sau khi dự án đã vào Việt Nam) phải xử lý toàn bộ vấn đề", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng: Đề xuất của IFC theo hướng tăng thêm biên chế lại đi ngược với cải cách hành chính của Việt Nam. Họ có ý định khuyên Việt Nam tách theo hướng có một bộ phận xúc tiến đầu tư và trong Ban Quản lý đó lại có thành phần doanh nghiệp. Ở Việt Nam thì chúng ta không thể cho doanh nghiệp nằm trong bộ máy quản lý được vì sẽ dính đến quyền lợi sân sau.

Nguyễn Tuyền

IFC khuyến nghị nâng cao vai trò cơ quan đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài - 2