Chuyển giao công nghệ: FDI chơi riêng, chỉ doanh nghiệp Việt "thương lấy nhau"
(Dân trí) - Tại Hội nghị về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp 100% vốn ngoại (FDI) với doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mặt trái của kỳ vọng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong khi được trải thảm nhiều ưu đãi và chính sách đất đai, thuế, khu vực FDI vẫn phát triển khá biệt lập, làm gia công, ít đầu tư nghiên cứu sáng chế và đặc biệt không chịu chuyển giao công nghệ và vòng đời thiết bị cho doanh nghiệp Việt.
Nguyên nhân là do chính sách của Việt Nam không bắt buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mà chủ yếu là khuyến khích các DN FDI chuyển giao mà không có ràng buộc pháp lý.
Hiện nay, xét về việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và DN Việt, nhiều chuyên gia khẳng định còn rất ít, thậm chí là chưa có.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ có "vòng đời" trong vòng 5 năm trở lại đây rất thấp.
DN Việt Nam chủ yếu vẫn đầu tư vào công nghệ với mục đích giảm giá thành sản phẩm thay vì tạo ra sản phẩm mới để thâm nhập thị trường. Tỷ lệ chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) thấp nhất trong ASEAN, chủ yếu đầu tư vào người quản lý chứ không phải mua bán dây chuyền công nghệ.
"Trong khi đó, hầu hết DN Việt nhận chuyển giao công nghệ từ DN trong nước khác ngành, lĩnh vực. Chúng ta cũng có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc nhưng không phải từ FDI mà là phía DN Việt Nam với nhau", ông Thắng nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 26 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 326 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao; FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các DN Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, chia sẻ 30 năm qua chúng ta xem DN FDI là kênh chuyển giao công nghệ. Đến nay các số liệu cho thấy, sự lan tỏa, chuyển giao này rất thấp. "Hội của chúng tôi gồm 3.000 nghìn DN nhưng không cảm nhận được công nghệ từ FDI lan tỏa vào DN trong nước thế nào".
TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN), cho biết hiện nay trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam thấp nhất ASEAN.
Tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Singapore là 73%, Malaysia là 51%, trong khi tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hoá, hiện đại hóa là trên 60%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên 50% như Thái Lan là 53%, Hàn Quốc là 51,5%, Trung Quốc là 52%, trong khi đó Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 40%.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới 2016, hiệu quả chuyển giao từ DN FDI của Việt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng vị trí 103, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia xếp thứ 13.
Nguyễn Tuyền