Hàng loạt ưu đãi: Doanh nghiệp nội sẽ hết cảnh đứng ngoài “thế giới” của FDI?
(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết, hiện có hàng loạt chính sách tài chính, thuế nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lượng, chất lượng sản phẩm, kĩ năng quản trị để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Hàng loạt chính sách ưu đãi
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương báo cáo về giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Báo cáo này phục vụ Hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ sắp diễn ra tới đây.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, hiện có hàng loạt chính sách tài chính, thuế nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, về bố trí dự toán ngân sách, do thời điểm ban hành các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017 là sau thời điểm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách năm 2017 nên việc bố trí dự toán ngân sách để thực hiện bắt đầu bố trí từ năm ngân sách 2018. Trong đó bố trí trong dự toán chi ngân sách sự nghiệp của Bộ Công Thương là 100 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong thời hạn tối đa 12 năm, lãi suất bằng lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu của VDB.
Đáng lưu ý, các dự án công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 5 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đồng thời miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và không phải nộp thuế trước bạ với đất thuê của nhà nước, nhà xưởng của cơ sở sản xuất, nhà kho, nhà ăn…
Mặc dù tại báo cáo lần này, Bộ Tài chính đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi về chính sách tài chính, thuế nhưng Bộ này cũng cho rằng, trong bối cảnh thương mại toàn cầu và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì dư địa sử dụng các công cụ thuế quan nhằm bảo hộ công nghiệp trong nước sẽ liên tục bị thu hẹp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lượng, chất lượng sản phẩm, kĩ năng quản trị để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Mặt trái của FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến tháng 6/2018, Việt Nam đã thu hút được gần 26.000 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 326 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Khu vực FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Tại Hội nghị về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp 100% vốn ngoại (FDI) với doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mặt trái của kỳ vọng chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong khi được trải thảm nhiều ưu đãi và chính sách đất đai, thuế, khu vực FDI vẫn phát triển khá biệt lập, làm gia công, ít đầu tư nghiên cứu sáng chế và đặc biệt không chịu chuyển giao công nghệ và vòng đời thiết bị cho doanh nghiệp Việt.
Trao đổi với báo chí trước thềm diễn đàn VBF giữa kỳ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ những "dằn vặt" với câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp trong nước lớn lên, trở thành nhà cung ứng xuyên quốc gia,
Ông Lộc đặt ra vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt để hai phía không phải "mãi mãi là hai thế giới riêng". "Doanh nghiệp ngoại khi vào Việt Nam mục tiêu của họ vẫn là lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể đến từ trước mắt hoặc có thể chậm mà dài lâu, khi họ coi đất nước đang đầu tư là quê hương thứ hai để ăn sâu, bám rễ", ông nói thêm.
Phải tự chứng minh được năng lực
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, phía Samsung Việt Nam cho biết, để có thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.
Còn theo ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), thực tế là đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Do đó, chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận tại VBF, mặc dù tác động lan toả giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã có nhưng sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội chưa tạo được liên kết như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu, và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp FDI vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các công ty Việt Nam tăng tốc ở nhiều cấp độ.
Theo đó, các công ty Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, quản lý cấp cấp trung, cần các trường đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ,.. Mặc dù để làm được những điều này không dễ dàng tuy nhiên Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu chính sách hợp lý phù hợp với các cam kết FTA và quá trình hội nhập.
Phương Dung