IBG app có dấu hiệu huy động vốn trái phép?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Với chiêu trò quảng cáo thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao, hoàn tiền tới 80%, nhân 5 số tiền... mô hình đầu tư IBG đang thu hút nhiều người tham gia.

4 tháng hoàn vốn

IBG app có dấu hiệu huy động vốn trái phép? - 1

IBG đang thu hút nhiều người tham gia đầu tư vì hứa hẹn lợi nhuận cao. 

Khoảng 2 tháng trở lại đây, ứng dụng IBG App quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và thu hút nhiều người tham gia. Trên website của mình, IBG App được giới thiệu là ứng dụng tiêu dùng cung cấp dịch vụ tích điểm dành cho hách hàng thân thiết, ứng dụng công nghệ 4.0 và quản lý cơ sở dữ liệu trên nền tảng Blockchain. Người tham gia có thể được hoàn trả giá trị lợi điểm lên tới 80% khi thanh toán và được nhân 5 số điểm đã đầu tư. 

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, IBG thuộc công ty TNHH IBG Việt Nam. Công ty trên được thành lập ngày 7/5/2020, địa chỉ tại quận Bình Thạnh (TPHCM) do ông N.T.B làm Tổng giám đốc. Đặc biệt, công ty có vốn điều lệ cao bất thường, lên tới 950 tỷ đồng. 

Để tham gia vào ứng dụng trên, người dùng phải mở tài khoản trên ứng dụng IBG. Sau đó, nạp IBG vào tài khoản theo hình thức mua USDT từ sàn Remitano sau đó nạp vào ứng dụng IBG để mua IBG hoặc mua IBG nội bộ. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì người tham gia sẽ dùng tiền thật để mua tiền ảo USDT theo tỷ giá 23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG.

IBG app có dấu hiệu huy động vốn trái phép? - 2
Công ty này chỉ mới thành lập được hơn 4 tháng.

Trong vai một người đi mua IBG, PV Dân trí được một "đầu nậu" tên T. giới thiệu đây là hình thức đầu tư có độ rủi ro thấp. Cụ thể, sau 4 tháng là có thể hoàn vốn và sẽ được hỗ trợ nhân 5 lần số tiền đã đầu tư. 

"Nếu anh đầu tư 50 triệu thì sẽ được quy đổi ra khoảng 2.100 IBG và được nhân 5. Tháng thứ 1 sẽ thu về 14,5 triệu đồng, tháng thứ 2 thu về 13,7 triệu đồng, tháng thứ 3 sẽ thu về 12,9 triệu đồng, tháng thứ 4 sẽ thu về 12,1 triệu đồng. Tổng thu về sau 4 tháng là khoảng 53 triệu đồng", T. chia sẻ.

Theo T, các tháng tiếp theo người dùng sẽ thu về số tiền theo dư nợ giảm dần cho đến khi ngừng tham gia. Đặc biệt, khi hết tháng thứ 4, ngoài lợi nhuận thì nhà đầu tư còn có thể nhân 5 số IBG đang có.

"Có nghĩa là bạn đang có 1.000IBG, sau đó bạn được nhân 5 lên là 5.000 điểm. Số điểm này bạn không được rút. Hàng ngày thuật toán sẽ hoàn về cho bạn 0,2% trên 5.000 điểm theo dư nợ giảm dần. Điểm này mình trao đổi sản phẩm trong hệ sinh thái (nội bộ) thì sẽ được hoàn 80% số tiền", T. chia sẻ thêm. 

IBG app có dấu hiệu huy động vốn trái phép? - 3
Nhân viên IBG cho biết chỉ 4 tháng có thể thu hồi vốn đã đầu tư.

Có dấu hiệu huy động vốn trái phép

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Dũng Khánh - chuyêngia kinh tế tại TPHCM cho biết: "Cách thức thối lại 80% tiền thanh toán giống như đa cấp, là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Tuy vậy, đây là phiên bản đã nâng cấp hơn, tinh vi hơn so với những phiên bản cũ. Công ty hoạt động cũng rất mới, lĩnh vực hoạt động không liên quan hoặc liên quan rất ít đến công việc đang làm. 

Mặt khác, việc thối lại 80% tiền thanh toán thực chất chỉ là điểm, không phải tiền mặt. Điểm này chỉ có khả năng sử dụng trong sàn giao dịch nội bộ của họ, không thể nào rút ra sử dụng ở một nơi khác. Trong trường hợp khách hàng muốn rút ra thì cũng chỉ rút được tỉ lệ rất thấp, dưới 1%, trong khi tiền nộp vào thì rất lớn.

IBG app có dấu hiệu huy động vốn trái phép? - 4
Trụ sở IBG tại TPHCM.

Cùng với đó những yếu tố pháp luật như giấy phép chưa đăng ký với cơ quan chức năng nên rất có khả năng đây là hình thức lừa đảo. Việc IBG thu hút được nhiều người tham giavì tỉ suất sinh lời cao, việc thối lại 80% gây kích thích nhà đầu tư. Việc IBG bán các gói đầu tư để được thêm các tỉ lệ phần trăm cũng là điểm đáng ngờ. Đặc biệt, IBG được nhân lợi nhuận lên gấp 5 so với bình thường thì đây có yếu tố lừa đảo cực lớn, tinh vi hơn cả Myaladdinz.

Việc hoạt động nhưng chưa có giấy phép là sai. Tiếp đó, việc IBG triển khai mua bán các gói đầu tư là hình thức huy động vốn trái phép. Hiện chỉ có ngân hàng và các quỹ đầu tư mới được phép huy động vốn. Một doanh nghiệp bình thường muốn huy động vốn phải phát hành cổ phiếu, IBG chỉ đơn giản là huy động tiền mặt trực tiếp là sai quy định. Khi xảy ra tranh chấp, các nhà đầu tư sẽ chịu thiệt".

Để làm rõ vấn đề trên, PV Dân trí đã nhiều lần mời đại diện lãnh đạo IBG để tìm hiểu. Tuy vậy, lãnh đạo IBG liên tục hẹn nhưng không đến. 

Việt Nam chưa công nhận "tiền ảo"

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, hiện nay Việt Nam chưa công nhận “tiền ảo” và chưa có hành lang pháp lý để “bảo hộ” về các vấn đề liên quan đến giao dịch, thanh toán “tiền ảo” tại Việt Nam. 

Theo luật sư Chánh, trong Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời kiến nghị của ông Vũ Thái Hà về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo đã nêu rõ: 

“…tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. 

Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư”, luật sư Chánh cho hay.

Luật sư Chánh phân tích thêm, theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019 của Chính phủ thì các hành vi “Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự thì người nào có hành vi “Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp” mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

"Mặt khác, hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “tiền ảo” không phải là một loại tài sản. Vì vậy, các giao dịch liên quan đến “tiền ảo” chứa đựng nhiều rủi ro cho người dùng. Chưa nói, những kẻ tạo ra các loại tiền ảo hay ứng dụng để kêu gọi đầu tư liên quan đến tiền ảo có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của những người “nhẹ dạ cả tin” như vụ tố cáo hệ thống tiền ảo Ifan, Pincoin…", luật sư Chánh nhấn mạnh.