Huy động vàng trong dân: Không vì ngừa rủi ro mà lãng phí

Các NHTM có thể bị hạn chế việc huy động, cho vay vàng, đồng thời không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền đồng để cho vay.

Huy động vàng trong dân: Không vì ngừa rủi ro mà lãng phí - 1
(ảnh minh họa)
 
Đây là một trong những biện pháp có thể được ngân hàng Nhà nước áp dụng, nhằm hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động thị trường vàng.

Một số ý kiến cho rằng, quy định hạn chế hoặc cấm bán vàng huy động là cần thiết, nhất là trong bối cảnh giá vàng biến động quá lớn như vừa qua. Tuy nhiên, không nên hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội.

Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Eximbank Trương Văn Phước, người có nhiều năm đảm nhiệm vị trí nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý về ngoại hối, cho rằng không cho phép chuyển hoá vốn huy động vàng thành tiền đồng là đúng.

Bởi theo ông, quy định hiện hành đã cho phép các ngân hàng tạo ra một trạng thái đầu cơ, có thể gây bất ổn cho hoạt động của thị trường vàng, đồng thời gây lo ngại rủi ro cho chính các ngân hàng.

Quả thực, nếu chỉ làm một phép toán đơn thuần, nghiệp vụ này đang mang tới khoản lợi nhuận đáng kể cho các ngân hàng, bởi lãi suất cho vay vàng đang khá thấp (ngân hàng huy động cao nhất hiện nay là 3%/năm) trong khi lãi suất vay vốn VND khá cao (thấp nhất là 11,5%/năm).

Tuy nhiên, trên thực tế, việc vay vàng, bán ra lấy vốn VND tiềm ẩn không ít rủi ro, bởi thanh khoản thị trường này đã bị thu hẹp do ngân hàng Nhà nước đã cấm các ngân hàng, doanh nghiệp ngừng kinh doanh vàng qua tài khoản nước ngoài. Trong khi đó, thị trường vàng biến động cực kỳ khó lường khi liên tục “bão giá”.

Giá vàng thế giới (thị trường New York) hiện tăng 36,5 USD/ounce so với 30 ngày trước và tăng tới 267,90 USD/ounce trong một năm qua (25,28%). Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa huy động vàng với cho vay VND không dễ bù đắp lại mức tăng giá của vàng trong suốt thời gian qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng bởi làm mất đi cơ hội thu hút một nguồn vốn lớn của xã hội.

Còn nhớ, hồi đầu tháng 4 năm nay ngân hàng Nhà nước cũng đã tính việc ban hành quy định này, song đã dừng lại, do vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận bởi lo ngại làm mất đi cơ hội một nguồn lực xã hội lớn.

Theo thông tin do ngân hàng Nhà nước đưa ra cuối tháng 9, tổng huy động vàng tương đương 95 nghìn tỉ đồng - một con số không nhỏ. “Chênh lệch lãi suất giữa huy động vàng với cho vay VND không dễ bù đắp lại mức tăng giá của vàng trong suốt thời gian qua”.

Theo tính toán của hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng đang được nắm giữ trong dân rất lớn, khoảng hơn 500 tấn, tương ứng hơn 22 tỉ USD. Hiện lượng vàng đang được gửi trong các ngân hàng khoảng hơn 90 tấn (4 tỉ USD).

“Mặc dù lượng vàng huy động được mới chiếm tỷ lệ khoảng 20% lượng nắm giữ của người dân, nhưng cũng là một khoản vốn không nhỏ. Hơn nữa, nếu chúng ta có chính sách hợp lý, lượng vàng thu hút được sẽ gia tăng”, tổng thư ký hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng nhận định.

Để hạn chế rủi ro trong huy động, cho vay vàng, ông Trương Văn Phước kiến nghị, ngân hàng Nhà nước nên đối xử với vàng như với vốn VND, vốn ngoại tệ. Theo đó, có thể điều tiết nghiệp vụ này của các ngân hàng bằng công cụ như thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, kiểm tra kiểm soát trạng thái (huy động, cho vay), phương án trả nợ…

Mặt khác, trong khi “cửa” kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài vẫn tạm “khép”, ngân hàng Nhà nước có thể xem xét khả năng cho xuất khẩu vàng miếng.

Ông Phước phân tích: “Cho phép xuất khẩu vàng sẽ mở ra cơ hội tăng thu ngoại tệ cho nền kinh tế. Quan trọng là Ngân hàng Nhà nước tạo ra hành lang để các ngân hàng được chủ động phương án kinh doanh, cân đối, phòng ngừa rủi ro, trong hành lang đó”.

Với trách nhiệm quản lý, sự cẩn trọng của ngân hàng Nhà nước là dễ hiểu. Tuy nhiên, không nên vì lo ngại rủi ro mà lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế luôn đói vốn như Việt Nam. Vấn đề là cần tạo dựng hệ thống chính sách để các ngân hàng có thể chủ động kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả của họ.

Theo Thảo Nguyễn
Báo SGTT