Huy động được bao nhiêu vốn qua trái phiếu Chính phủ trong 6 tháng qua?
(Dân trí) - 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước cho biết đã huy động được 69.087 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu Chính phủ, đạt 17,3% kế hoạch Bộ Tài chính giao.
Nhiệm vụ huy động vốn ngân sách Nhà nước được Bộ Tài chính giao cho Kho bạc Nhà nước năm nay là 400.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã bám sát diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ, tình hình thu, chi ngân sách Trung ương, tồn ngân quỹ Nhà nước để báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính các giải pháp tổ chức triển khai công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Kho bạc Nhà nước đã công khai kế hoạch, lịch biểu phát hành để các nhà đầu tư chủ động bố trí vốn tham gia thị trường; điều chỉnh khối lượng, lãi suất từng đợt phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất hợp lý, phù hợp với nhu cầu vốn của ngân sách Trung ương.
Kho bạc Nhà nước cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính trong việc tham mưu lãnh đạo bộ về công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước và nợ công; phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Vụ Tài chính ngân hàng tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động thị trường trái phiếu năm 2022.
Với các giải pháp trên, tính đến hết ngày 30/6, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 69.087 tỷ đồng, đạt 17,3% kế hoạch Bộ Tài chính giao. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 14,75 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,45%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu Chính phủ là 9,2 năm.
Trong 6 tháng cuối năm, Kho bạc Nhà nước tiếp tục bám sát tình hình thu ngân sách Nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách Trung ương và tình hình thị trường để điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tổ chức điều hành ngân quỹ Nhà nước an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước và các đơn vị giao dịch, tăng sử dụng ngân quỹ Nhà nước cho ngân sách trung ương vay để giảm nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, thanh khoản thấp và mặt bằng lãi suất cao.