Hưởng ưu đãi thuế nhập nhưng "ôm" hàng khẩu trang xuất khẩu có thể bị phạt?

(Dân trí) - Thông tin 36 tấn khẩu trang được xuất khẩu bằng đường hàng không ra nước ngoài gây lo ngại việc doanh nghiệp được miễn thuế nhập nguyên liệu nhưng khi sản phẩm thành phẩm lại gom hàng xuất khẩu hết.

Cụ thể, theo thông tin Dân Trí nêu Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), từ ngày 30/1 đến 4/2, hơn 36 tấn khẩu trang được xuất đi các nước, chủ yếu sang Trung Quốc.

Trong khi đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 7/2 mới ký Quyết định số 155/QĐ-BTC về việc miễn thuế nhập khẩu đổi với khẩu trang, nguyên liệu sản xuất khẩu trang và nước rửa tay sát trùng...

Hưởng ưu đãi thuế nhập nhưng ôm hàng khẩu trang xuất khẩu có thể bị phạt? - 1

Liệu doanh nghiệp hưởng ưu đãi về thuế nhập nguyên liệu nhưng khi sản xuất thành phẩm lại xuất đi nước ngoài có bị xử phạt về thuế?

Với Quyết định nói trên, doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước khử trùng sẽ được ưu đãi lớn về thuế khi nhập khẩu. Tuy nhiên, thay vì sản xuất và tiêu thụ nội địa, các mặt hàng khẩu trang sẽ được mua gom, hoặc trực tiếp xuất đi nước ngoài để hưởng lợi cho doanh nghiệp.

Được biết hiện nay các kênh xuất nhập khẩu tiểu ngạch hiện rất khó khăn, thậm chí nhiều cửa khẩu không thể thông quan do phía Trung Quốc chưa mở cửa khẩu. Hiện mặt hàng khẩu trang xuất đi vẫn được thông quan do Trung Quốc đang có nhu cầu cao và khan hiếm. Loại xuất đi tại cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất và tại Lạng Sơn mới đây hầu hết được xuất khẩu chính ngạch.

Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Trí, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan khẳng định: "Việc miễn giảm thuế nhập khẩu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng, bình ổn giá. Hiện Việt Nam chưa có quy định hạn chế hay đưa mặt hàng khẩu trang vào diện hạn chế xuất khẩu".

Cũng theo ông Tưởng, doanh nghiệp nếu sản xuất tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu là quyền của doanh nghiệp. Cơ quan Nhà nước chỉ đưa ra chính sách, biện pháp để tạo nguồn cung lớn, tránh việc nâng giá, gây khó khăn.

"Khó có thể yêu cầu doanh nghiệp không được xuất khẩu khẩu trang bởi điều này không mang tính thị trường", ông Tưởng nói.

Thực tế, thông thường khẩu trang y tế bán buôn 1 thùng khoảng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc cho loại 2, 3 và 4 lớp. Giá xuất bán buôn từ 25.000 đến 35.000 đồng/hộp. Một hộp trung bính có giá từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng, tuy nhiên, vào thời điểm khi dịch viêm đường hô hấp xác nhận có ở Việt Nam, giá của mặt hàng này đã tăng gấp từ 2 đến 3 lần giá ngày thường.

Hiện chưa rõ trị giá khai báo hàng khẩu trang tại các Chi cục Hải quan song chắc chắn sẽ chênh cao hơn nhiều so với giá bán trong nước. Bởi vậy mới có chuyện hàng khẩu trang trong nước xuất khẩu tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Thực tế quy định về doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế hàng khẩu trang, nguyên liệu đã có song chưa được cụ thể hóa. Tại khoản 2, Điều 2, Quyết định số 155/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành ngày 7/2 ghi rõ: Cơ quan hải quan làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu trong thông quan đối với hàng hóa tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đảm bảo việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế.

"Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sử dụng không đúng mục đích miễn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý thuế", Quyết định của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, tại Công văn số 197/TTg-KTTH ngày 7/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra

Như vậy, nếu cơ quan Nhà nước chứng minh được doanh nghiệp hưởng lợi về thuế nhập đối với hàng là nguyên liệu nhưng không thực hiện đúng mục đích tại Công văn số 197/TTg-KTTH ngày 7/2 có thể sẽ bị xử lý về theo diện sai phạm về thuế nêu trên.

Nguyễn Tuyền