"Hung tin" với cổ phiếu của công ty đại gia Lê Phước Vũ

Mai Chi

(Dân trí) - Bị thua lỗ trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023, cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen bị đưa vào danh sách cắt margin trên HoSE. Giá HSG phiên 31/5 lập tức giảm mạnh.

Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) hôm nay vừa bổ sung một số mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin), trong số này có cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen.

Nguyên nhân khiến HSG bị cắt margin được HoSE lý giải xuất phát từ việc lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là con số âm.

Hung tin với cổ phiếu của công ty đại gia Lê Phước Vũ - 1

Biến động giá cổ phiếu HSG trong vòng 1 tháng qua (Nguồn: Tradingview).

Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét (giai đoạn 1/10/2022-31/3/2023) vừa được Hoa Sen công bố, doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ ghi nhận mức sụt giảm mạnh tới gần 50% doanh thu thuần so với cùng kỳ, đạt gần 14.898 tỷ đồng. Mặc dù giá vốn giảm gần 47% nhưng tốc độ giảm chậm hơn doanh thu, theo đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.094 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu khác trong báo cáo kết quả kinh doanh của Hoa Sen hầu hết đều đi lùi so với 6 tháng đầu niên độ tài chính trước, trong đó, doanh thu tài chính giảm gần 16%; chi phí bán hàng giảm 44%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 32%.

Nguồn thu về không đủ bù đắp chi phí khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoa Sen nửa đầu niên độ "bốc hơi" tới 140%, ghi nhận mức âm 401 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.030 tỷ đồng).

Mặc dù có thu nhập khác tăng 136% so với cùng kỳ nhưng giá trị tuyệt đối khiêm tốn, chỉ đạt 38 tỷ đồng nên Hoa Sen vẫn lỗ trước thuế 364 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.044 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 424 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng). Lỗ trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ ở mức 208 tỷ đồng, giảm 617 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kết quả lao dốc của Hoa Sen nằm trong xu hướng chung của ngành giữa bối cảnh sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh kể từ nửa sau năm 2022.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho biết, sự sụt giảm của ngành thép đến từ việc thị trường bất động sản trở nên khó khăn do thay đổi pháp lý liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ; giá thép biến động mạnh làm các dự án đầu tư công cũng như thi công xây dựng dân dụng bị đình trệ.

Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng cho thấy dấu hiệu hụt hơi vào tháng 8/2022 và tụt dốc mạnh trong quý IV/2022 khi nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường chủ lực khu vực ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu kéo dài quá trình đình trệ.

Trong khi đó, xuất khẩu tôn mạ sau năm 2021 đầy thuận lợi đã dần thể hiện sự sụt giảm với sản lượng xuất khẩu tôn mạ năm 2022 đạt 2,1 triệu tấn (giảm 38% so cùng kỳ) khi nhu cầu xây dựng tại Mỹ và Châu Âu lao dốc.

VCBS nhận định, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen được dự báo gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU suy yếu trong môi trường lãi suất cao, trong khi đó, thị trường bất động sản trong nước chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Hoa Sen chỉ được dự báo phục hồi vào thời điểm cuối năm 2023 khi mặt bằng lãi suất có dấu hiệu điều chỉnh và thị trường bất động sản ấm lên. Điểm sáng duy nhất của Hoa Sen được ghi nhận là đã giảm được hàng tồn kho xuống mức rất thấp, giảm áp lực trích lập dự phòng khi giá thép được dự báo có thể giảm tiếp.

Tại ngày 31/3, giá trị hàng tồn kho của Hoa Sen ở mức 7.013 tỷ đồng (so với mức 7.395 tỷ đồng tại thời điểm đầu niên độ).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HSG điều chỉnh khá mạnh trong phiên hôm nay, đánh mất 2,84% còn 15.400 đồng. Trước đó, phiên 29/5 và 30/5, cổ phiếu HSG đều tăng giá.

Bên cạnh HSG thì một loạt mã chứng khoán khác như HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, HVN của hãng hàng không Vietnam Airlines… cũng bị cắt margin. Tính đến 30/5, đã có 80 mã chứng khoán không đủ giao dịch ký quỹ trên HoSE.