Hứng đợt dịch thứ 2, Trung Quốc mất hy vọng tăng trưởng kinh tế năm nay

(Dân trí) - Những trường hợp nhiễm mới đã xuất hiện ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, làm gia tăng những hiểm họa mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt.

Hứng đợt dịch thứ 2, Trung Quốc mất hy vọng tăng trưởng kinh tế năm nay - 1
Các ca nhiễm mới đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền kinh tế của một số tỉnh thuộc vành đai công nghiệp Trung Quốc, vốn được coi là niềm tự hào và là cái nôi của nền công nghiệp cả nước. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 tại khu vực vành đai công nghiệp phía Đông Bắc Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền kinh tế của một số tỉnh nghèo nhất cả nước.

Những trường hợp lây nhiễm mới đã xuất hiện ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, làm gia tăng các hiểm họa mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực khởi động lại ngành công nghiệp khổng lồ trị giá 14 nghìn tỷ USD sau lệnh đóng cửa toàn quốc vào những tháng đầu năm nay.

Sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm mới ở Trung Quốc cũng là bài học đối với các khu vực khác trên thế giới khi đang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế của mình, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia y tế.

Hiện tại, cả ba tỉnh trên đều là những nền kinh tế có sự thể hiện tồi tệ nhất trong năm 2020 của Trung Quốc. Trong đó, Liêu Ninh xếp hạng trung bình còn Hắc Long Giang và Cát Lâm nằm trong danh sách những tỉnh nghèo nhất.

Các dữ liệu của chính phủ cho thấy, lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở ba tỉnh phía Đông Bắc vốn là niềm tự hào và là cái nôi của nền công nghiệp cả nước này, đã giảm 63% so với 3 tháng đầu năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ khu vực giảm 29% và chi tiêu bình quân đầu người giảm 11%.

Hứng đợt dịch thứ 2, Trung Quốc mất hy vọng tăng trưởng kinh tế năm nay - 2
Kinh tế của hai tỉnh Hắc Long Giang và Liêu Ninh lần lượt đã sụt giảm 8,3% và 7,7% trong quý đầu năm 2020, đứng thứ 3 và thứ 4 về mức độ suy thoái trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo ông Ren Zeping, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Evergrande, tăng trưởng kinh tế ở vùng Đông Bắc Trung Quốc vốn đã suy yếu trong những năm gần đây sẽ còn tồi tệ hơn dưới tác động của dịch bệnh. Cũng theo ông Ren, do sự bùng dịch ở Hắc Long Giang vào đầu tháng 4, ​​tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh này trong quý 2 sẽ còn bị hạn chế.

Chính quyền thành phố Cát Lâm, thành phố cùng tên lớn thứ hai trong tỉnh, đã thực thi lệnh đóng cửa một phần thành phố vào thứ 4, đặt ra các hạn chế về đi lại và tụ tập, sau khi 7 trường hợp mới được xác nhận vào hôm 12/5, nâng tổng số ca nhiễm lên 21 ca trong một tuần.

Tất cả được cho là bắt nguồn từ một ổ dịch mới ở thành phố Thư Lan gần đó. Vào tháng Tư, các ổ dịch mới cũng được phát hiện tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang lân cận. Để ngăn chặn sự lây lan, chính quyền Cáp Nhĩ Tân tuyên bố vào hôm thứ Tư rằng họ sẽ cách ly tất cả du khách đến từ Thư Lan trong vòng bốn tuần.

Đến cuối tháng Ba, 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, hay còn được biết đến là “vành đai công nghiệp” của Trung Quốc, mới chỉ ghi nhận 722 ca nhiễm, 16 ca tử vong, ít nhất trong số 31 tỉnh thành. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của cả ba vẫn rất thấp. Đến tháng Ba, số trường hợp bị nhiễm ở khu vực kinh tế yếu ớt nhất Trung Quốc đã tăng lên 1.225, theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Lu Ting, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura Bank cho biết, mặc dù có sự phục hồi trong một số lĩnh vực, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với áp lực đến từ sự sụt giảm trong xuất khẩu và nguy cơ tái nhiễm Covid-19.

Nhưng các nhà phân tích của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng, sự bùng phát dịch bệnh ở các địa phương không có khả năng ngăn chặn xu hướng bình thường hóa kinh tế đất nước. Chỉ số hoạt động kinh doanh quốc gia của công ty này đã chỉ ra rằng ở cả ba tỉnh vành đai công nghiệp, hơn 99% doanh nghiệp đã thông báo về việc nối lại hoạt động.

Tuy nhiên, 3 tỉnh này chỉ là một phần của cuộc đấu tranh toàn diện trên khắp đất nước. “Chỉ số hoạt động kinh doanh quốc gia vẫn bị kẹt ở mức 80-90% kể từ ngày 13/4”. Điều này có nghĩa rằng mặc dù chính phủ đã “bật đèn xanh” nhưng rất ít các doanh nghiệp hoạt động với công suất tối đa của mình.

Dịch bùng phát ở phía Đông Bắc cũng là tin xấu đối với nước láng giềng Bắc Triều Tiên, nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thực phẩm từ Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, việc nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên đã giảm 79,3% trong quý đầu năm nay. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đưa ra cảnh báo cho các quan chức địa phương về những rủi ro của việc hồi sinh nền kinh tế nội địa trong chuyến thăm tỉnh Sơn Tây vào tuần này.

Hương Vũ

Theo SCMP