HSBC: Việt Nam sẽ là “Con hổ mới” ở Châu Á

(Dân trí) - Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đã nhận định như vậy về triển vọng phát triển kinh của Việt Nam tại bản báo cáo “Việt Nam: Tiến tới tầm cao mới” ngày 12/9. Theo đó, chỉ số xếp hạng tín dụng ngoại tệ mà HSBC dành cho Việt Nam là mức ổn định.

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng từ 7,5% - 8% trong 5 năm tới

Chỉ số xếp hạng tín dụng ngoại tệ mà HSBC dành cho Việt Nam là BB/ổn định, bằng mức mà Standard & Poor (S&P) dành cho Việt Nam nhưng cao hơn mức BB- theo đánh giá của Fitch và Moody’s.

Các chuyên gia của HSBC đưa ra chỉ số đánh giá này dựa trên cơ sở sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế, môi trường chính trị ổn định và những tiến bộ trong chương trình cải cách cơ cấu của Việt Nam.

Theo bản báo cáo này, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm qua. Trong thập kỷ trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam ở mức bình quân 7,2%. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ (với thu nhập đầu người dưới 1USD/ngày) đã giảm từ mức 51% vào năm 1990 tới mức 8% vào thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của HSBC, việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% - 8% cho giai đoạn 5 năm tới là hoàn toàn có cơ sở. Cơ cấu dân số của Việt Nam rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và được coi là một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng trong thập kỷ tới với tốc độ tăng trưởng của số dân trong độ tuổi lao động là 2,3% trong vòng 5 năm tới.

Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao

Bên cạnh việc khẳng định triển vọng khả quan của nền kinh tế Việt Nam, bản báo cáo của HSBC cũng cho thấy không ít những vấn đề còn tồn tại. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động có trình độ cao.

Nhu cầu vốn tăng cao cho phát triển kinh tế phần nào phản ánh hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một phần xuất phát từ hiệu quả thấp của khu vực kinh tế Nhà nước. Nạn tham nhũng cũng như những yếu kém của nền giáo dục cần được giải quyết. Khu vực xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm cơ bản…

Ngoài ra, có nhiều yếu tố cản trở việc nâng chỉ số xếp hạng tín dụng của Việt Nam, đó là tỷ lệ sở hữu nhà nước trong nền kinh tế còn ở mức cao (36,6% vào cuối năm 2004, tăng so với mức 35,8% vào năm 2000), nợ phụ thuộc, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, kỹ thuật quản lý rủi ro tín dụng còn hạn chế và việc cải thiện chất lượng cũng như tính kịp thời của các dữ liệu kinh tế.

Gia nhập WTO - Những hiệu quả tích cực trong dài hạn

HSBC cho biết, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã kéo dài 20 năm nhưng còn nhiều việc cần phải làm để tăng cường hiệu quả kinh tế và năng suất lao động. Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng chính sách cải cách gồm 4 điểm nhằm tăng cường định hướng thị trường, hiệu quả và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Đó là: Cổ phần hoá các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước, cổ phần hoá các ngân hàng thương mại sở hữu Nhà nước, tăng cường và cải thiện khung pháp lý cho thị trường vốn và chống tham nhũng. Những biện pháp này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn của thị trường vốn của Việt Nam.

Địa vị thành viên WTO sẽ đóng một vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam. Nhờ nhiều biện pháp cải cách, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hoá so với GDP đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1998 và vượt mức 50% vào năm ngoái.

Các chuyên gia của HSBC tin tưởng rằng, việc gia nhập WTO sẽ có ít tác động xét về mặt vĩ mô trong ngắn hạn nhưng sẽ đem lại những hiệu quả tích cực trong dài hạn nhờ sự mở rộng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Nhìn chung, chính sách quản lý tiền tệ và tài chính của Việt Nam là thận trọng và có tác dụng tích cực đối với tăng trưởng kinh tế nhờ giữ lạm phát, cán cân tài chính, tài khoản vãng lai và tỷ lệ nợ ở mức hợp lý.

Việc Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển dần từ chỗ hướng dẫn cho vay chính sách sang điều tiết lạm phát và điều tiết hoạt động của ngành ngân hàng là một trong những kỳ vọng lớn của giới kinh doanh.

Đồng thời, chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng cùng với sự giảm xuống của tỷ lệ lạm phát và việc cải thiện chính sách tài chính sẽ tập trung vào việc phân bổ ngân sách một cách hợp lý và minh bạch. Đồng Việt Nam vẫn được thả nổi có kiểm soát và sự giảm giá của đồng tiền này so với đồng USD được dự báo là sẽ tiếp tục ở mức 1% trong năm nay.

Nguyễn Hiền