HSBC: Hạ trần lãi suất huy động khó đạt mục đích kích cầu

(Dân trí) - Vì nhu cầu tiêu dùng thấp, HSBC không cho rằng, giảm thêm trần lãi suất huy động sẽ thúc đẩy chi tiêu một cách mạnh mẽ.

Theo dự báo của HSBC, tín dụng cả năm sẽ ở mức 10% (thấp hơn kế hoạch mục tiêu)
Theo dự báo của HSBC, tín dụng cả năm sẽ ở mức 10% (thấp hơn kế hoạch mục tiêu)
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo giảm 50 điểm đối với trần lãi suất huy động tiền đồng, có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2014.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
 
Cụ thể, từ 29/10, trần lãi suất huy động tiền đồng sẽ giảm từ 6% xuống còn 5,5%. Trần lãi suất huy động USD giảm từ mức 1% xuống còn 0,75%. Đồng thời, NHNN cũng sẽ giữ nguyên các lãi suất chính sách chính (tái cấp vốn, chiết khấu, và chiếu khấu giấy tờ có giá) cho đến hết năm nay.
 
Tính từ đầu năm đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng đạt 7,95%, trong khi đó, lạm phát tháng Mười đạt 3,2% so với cùng kỳ năm trước và đã giảm từ mức 3,6% của tháng 9.
 
Trong báo cáo cập nhật phát hành chiều nay (28/10), Khối nghiên cứu thuộc Ngân hàng HSBC đánh giá, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng tốc vào giai đoạn cuối năm và sẽ đạt khoảng 10% (thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra). Dù tiêu dùng cá nhân có xu hướng tăng dần nhưng sẽ không tăng mạnh do niềm tin người tiêu dùng còn yếu. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ giữ vai trò thúc đẩy chính đối với GDP.
 
NHNN đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy cầu nội địa, hy vọng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ kích thích chi tiêu và khiến cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. HSBC đánh giá động thái này là một phần của biện pháp kích thích để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 12-14% cũng như thúc đẩy cầu nội địa.
 
Sau nhiều năm bùng nổ cho vay, nền kinh tế Việt Nam đang còn đi trên con đường gập ghềnh và chỉ hồi phục một cách từ từ.
 
Theo dự báo của HSBC, tín dụng cả năm sẽ ở mức 10% (thấp hơn kế hoạch mục tiêu)
 
Biểu đồ trên cho thấy, dự báo GDP sẽ tăng dần do hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tốt nhưng GDP sẽ vẫn ở dưới đường xu hướng. Lạm phát cũng sẽ nằm trong phạm vi kiểm soát vì giá dầu hạ nhiệt và nguồn cung thực phẩm dồi dào. Cầu nội địa thấp và mức phá giá nhỏ của đồng nội tệ cũng góp phần kiềm chế áp lực lạm phát. Vì nhu cầu tiêu dùng thấp, HSBC không cho rằng, giảm thêm trần lãi suất huy động sẽ thúc đẩy chi tiêu một cách mạnh mẽ.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”