Hợp đồng giả cách là gì, lưu ý gì về hợp đồng giả cách?
(Dân trí) - Hợp đồng giả cách là một giao dịch dân sự không có thật, được lập ra nhằm che giấu đi một hợp đồng khác, chủ yếu nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy hợp đồng giả cách được hiểu là các bên tham gia hợp đồng đồng ý xác lập một giao dịch giả tạo nhằm che giấu đi một hợp đồng khác, để trục lợi, chiếm đoạt tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng.
Hợp đồng giả cách là một giao dịch dân sự không có thật. Những tài sản tham gia vào hợp đồng giả cách thường có giá trị lớn, chủ yếu là bất động sản.
Một trường hợp rất phổ biến hiện nay, có dấu hiệu của hợp đồng giả cách như đi vay nóng với lãi suất cao ngoài xã hội nhưng trên hợp đồng không thể hiện mức lãi suất. Những nạn nhân "sập bẫy" thường đang trong tình trạng cần tiền gấp để đầu tư kinh doanh, chữa bệnh…
Ví dụ, ông A vay của ông B 100 triệu đồng, trong hợp đồng ghi mức lãi suất do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Trên thực tế, ông B cho ông A vay nặng lãi, lãi suất trên 150%. Như vậy, hợp đồng cho vay tài sản ban đầu là hợp đồng giả cách nhằm che giấu một hợp đồng khác.
Một trường hợp khác là các bên lập hợp đồng giả cách sang nhượng tài sản nhưng với mục đích đằng sau là vay vốn. Hình thức này được thực hiện bằng cách ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, nhưng sau đó, nếu người đi vay không trả được nợ thì người cho vay bằng các biện pháp của mình, biến tài sản đó thành của mình.
Bên cạnh đó, còn có trường hợp người mua và người bán thỏa thuận khai giá ảo trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản để giảm thuế phải nộp cho Nhà nước; hay trường hợp cầm cố tài sản để đầu tư kinh doanh…
Hợp đồng giả cách có nhiều hệ lụy, biến tướng. Do đó, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Người dân cũng cần nhận diện rõ những dấu hiệu của hợp đồng giả cách, đồng thời tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật tư vấn trước khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng.