Hồng Kông không còn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới
(Dân trí) - Theo xếp hạng mới nhất của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), Hồng Kông không còn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới khi các thành phố có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 5 năm.
Dẫn đầu bảng xếp hạng này là thành phố Tel Aviv. Thành phố của Israel đã tăng 4 bậc, lần đầu tiên trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới nhờ đồng tiền mạnh và giá hàng hóa, xe hơi tăng cao. Hồng Kông xuống vị trí thứ 5 trong danh sách nhờ giá hàng hóa và dịch vụ giảm.
Trong khi đó, Singapore leo 2 bậc, giành vị trí thứ 2 của Paris trở thành thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới. Thành phố Zurich của Thụy Sĩ đứng thứ 4. Các thành phố New York, Geneva, Copenhagen, Los Angeles và Osaka chiếm 10 vị trí còn lại.
Báo cáo chi phí sinh hoạt toàn cầu năm 2021 đã so sánh giá cả 200 mặt hàng bao gồm thực phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình, giá thuê nhà, phương tiện đi lại và giải trí ở 173 thành phố trên toàn cầu.
Dữ liệu được thu thập từ tháng 8 đến tháng 9, giữa lúc giá vận tải và giá dầu tăng cao, điều đó khiến giá hàng hóa cao hơn.
Bà Upasana Dutt, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại EIU, cho biết mặc dù các nền kinh tế trên thế giới đang hồi phục trở lại với chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng nhiều thành phố vẫn đang chứng kiến sự bùng phát trở lại, điều này khiến các nhà chức trách phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn.
"Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn", bà nói.
Tính trung bình, giá hàng hóa và dịch vụ đã tăng 3,5% trong năm nay, mức cao nhất trong 5 năm. Chi phí vận tải chứng kiến mức tăng lớn nhất, khi giá xăng tăng vọt 21%. Hồng Kông vẫn là thành phố có giá xăng đắt nhất thế giới với 2,5 USD/lít.
Theo báo cáo, các vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng năm nay chủ yếu là các thành phố châu Âu và châu Á. Các thành phố của Trung Quốc vẫn có giá tương đối vừa phải. Ba thành phố của nước này là Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh đều tăng một bậc so với năm ngoái.
Trong khi đó hầu hết các thành phố ở Mỹ đều tụt hạng sau khi chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế làm giảm giá trị của đồng USD so với các đồng tiền khác.
Bà Dutt cho rằng trong khi chi phí sinh hoạt sẽ tăng hơn nữa trong những năm tới khi tiền lương trong nhiều lĩnh vực tăng lên, các ngân hàng trung ương cũng sẽ dự kiến tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Điều này đồng nghĩa việc tăng giá có thể sẽ bắt đầu được điều chỉnh từ năm nay.
Báo cáo cũng dự báo lạm phát giá tiêu dùng trên toàn cầu sẽ ở mức trung bình 4,3% trong năm 2022. Chi phí sinh hoạt ở hầu hết các nền kinh tế sẽ ổn định nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng giảm xuống và các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron gần đây, bà Dutt cho rằng, sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu sẽ kéo dài hơn dự kiến.