Hồng Kông căng thẳng vì tiểu thương Trung Quốc

Người dân Hồng Kông đang tăng cường phản đối người mua sắm Trung Quốc với cáo buộc gây xáo trộn nền kinh tế địa phương.

Trong vụ biểu tình mới nhất hôm 1/3, hàng trăm người Hồng Kông tập trung ở thị trấn Yuen Long, gần biên giới với đại lục, để phản đối tiểu thương Trung Quốc tràn qua thu gom hàng hóa. Theo hãng tin AP, cảnh sát đã bắn hơi cay, dùng dùi cui để giải tán đám đông. Vụ đụng độ khiến 38 người, bao gồm 1 bé trai 13 tuổi, bị bắt và 10 cảnh sát bị thương.

 

Một phụ nữ Hồng Kông bức xúc vì người mua sắm từ Trung Quốc trong cuộc biểu tình hôm 1-3 Ảnh: AP
Một phụ nữ Hồng Kông bức xúc vì người mua sắm từ Trung Quốc trong cuộc biểu tình hôm 1-3 Ảnh: AP

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Vào tháng trước cũng xảy ra 2 cuộc biểu tình ồn ào khác ở các trung tâm mua sắm tại vùng ngoại ô phía Bắc Hồng Kông. Một cư dân địa phương tên Kelvin Lee bức xúc việc tiểu thương Trung Quốc đẩy giá hàng hóa lên cao cũng như gây tắc nghẽn giao thông và xả rác. Chưa hết, cư dân các thị trấn gần biên giới còn phàn nàn về những hành vi xấu và thái độ thô lỗ của không ít người đại lục.

Sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 ở Trung Quốc, sữa bột trẻ em tại Hồng Kông là mặt hàng được nhiều người dân đại lục săn đón. Bên cạnh đó, điện thoại thông minh, mỹ phẩm, thuốc men và hàng xa xỉ cũng được người Trung Quốc ưa chuộng bởi giá rẻ hơn. Vì thế, đã xuất hiện những mạng lưới chuyên thu gom hàng từ Hồng Kông mang về đại lục bán kiếm lời - gọi là “giao dịch song trùng”. Năm ngoái, có tới 47,3 triệu người đại lục đến Hồng Kông, nhiều hơn 6 lần cư dân địa phương và tiêu thụ 1/3 số hàng hóa bán lẻ tại đặc khu này.

Bí thư Thành ủy Thâm Quyến - Trung Quốc, ông Vương Vinh, nhận định khó có giải pháp cho vấn đề tranh cãi nói trên chừng nào nỗi lo về an toàn thực phẩm vẫn còn ở đại lục. Trước mắt, chính quyền Hồng Kông đã đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn “giao dịch song trùng”. Cụ thể, hơn 1.900 người Trung Quốc bị bắt ở Hồng Kông trong 2 năm qua vì dính líu đến hoạt động này trong khi 25.000 người đại lục bị cấm đặt chân đến đặc khu vì lý do tương tự.

Theo Xuân Mai
Người Lao động
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”