Hỗn loạn thị trường máy xét nghiệm Covid-19: Rất khó xác định mức giá đúng!

Sau khi nhiều địa phương công bố giá mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19, dư luận đã đặt vấn đề về việc mua bán thiết bị y tế tối quan trọng này.

Sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt giam một số cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và các đơn vị liên quan, và sau khi nhiều địa phương công bố giá mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19, dư luận đã đặt vấn đề về việc mua bán thiết bị y tế tối quan trọng này.

Hỗn loạn thị trường máy xét nghiệm Covid-19: Rất khó xác định mức giá đúng! - 1

Vận hành máy Real-time RCR xét nghiệm Covid-19.

Thanh tra, thẩm định lại việc mua máy xét nghiệm

Liên quan đến những thông tin lùm xùm về giá mua thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid-19, xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can; lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam 7 người có liên quan, trong đó có ông Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội).

Trên thực tế, vụ việc đã tạo ra “phản ứng dây chuyền”, từ đó nhiều tỉnh/thành vội vã vào cuộc kiểm tra lại việc mua bán máy xét nghiệm Covid-19; và Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo kiểm tra lại vụ này với các địa phương.

Nơi rẻ, chỗ đắt

Liên quan đến thông tin đang được dư luận đặc biệt quan tâm về máy xét nghiệm Covid-19 được mua với số tiền 1,4 tỷ đồng trong khi nhiều địa phương trên cả nước phải mua máy với giá cao gấp 5 lần; ngày 28/4, đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR (hiệu Aria Mx của Hãng Agilent Mỹ, sản xuất tại Malaysia) được Sở này mua với giá thành nêu trên để trang bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng. Realtime PCR thuộc hệ thống xét nghiệm tự động gồm 3 máy, cho kết quả xét nghiệm cuối cùng (âm tính hoặc dương tính với Covid-19) sau khi đã chiết tách ADN/ARN các mẫu bệnh phẩm. Realtime PCR được CDC Đà Nẵng vận dụng, mua với giá 1,4 tỷ đồng từ đơn vị cung ứng trúng thầu trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh- Giám đốc CDC Đà Nẵng: Năm 2015, CDC Đà Nẵng từng đề xuất và mua máy Real-time PCR thực hiện các xét nghiệm liên quan đến sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng. Kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh vào tháng 3 đến nay, với 2 máy Real-time PCR (kể cả máy được mua vào năm 2015) hoạt động liên tục 24/24 giờ, CDC Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm trên 5.000 mẫu bệnh phẩm, trong đó có 6 mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19.

Tại Hà Tĩnh, có 2 Phòng xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán bệnh truyền nhiễm và Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Một phòng được đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh còn phòng xét nghiệm khác của Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh.

CDC Hà Tĩnh được UBND tỉnh chấp thuận mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR theo Quyết định số 1035/QĐ-UBND, ngày 30/3/2020. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Giá trị gói thầu là 5.160.167.000 đồng, từ nguồn vốn ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 do MTTQ tỉnh Hà Tĩnh phát động. Thời gian thực hiện hợp đồng là 7 ngày do cấp bách trong phòng chống dịch.

Số tiền này được MTTQ tỉnh Hà Tĩnh xác nhận đã chuyển cho chủ đầu tư. Phía CDC Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã tiến hành thương thảo, đàm phán ký hợp đồng mua máy. Tuy nhiên, đến ngày bàn giao, nhà thầu không có thiết bị để giao theo yêu cầu của đơn vị vì vậy hợp đồng đã bị hủy.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa ngày 28/4, cho biết: Đơn vị này đã có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Thanh Hóa về kết qủa mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 với giá hơn 3,7 tỉ đồng. Việc đầu tư mua máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Sở chủ trì và được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu do yêu cầu sử dụng khi dịch Covid-19 đang rất cấp bách nhưng phải bảo đảm sự chặt chẽ, rõ ràng do Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hoá cung cấp, thiết bị được lắp đặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hoá.

Tại tỉnh Thái Bình, theo ông Phạm Văn Dịu- Giám đốc Sở Y tế tỉnh, ngày 31/3 tỉnh đã lắp đặt hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, hiệu Cobas 4800, thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, ngoài Covid-19 có thể xét nghiệm nhiều loại virus khác. Hệ thống thiết bị trên được tỉnh mua thông qua hình thức chỉ định thầu. Theo quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đơn vị được chỉ định thầu cung cấp thiết bị là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội); giá tiền trúng thầu là 6,48 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 15/5, Sở Y tế tỉnh có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá thiết bị giảm còn 5,85 tỉ đồng. Theo ông Phạm Văn Dịu, phần giảm giá từ 6,48 tỷ đồng xuống còn 5,85 tỷ đồng được xem là phần nhà thầu cung cấp thiết bị ủng hộ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, khi mua thiết bị trên, tỉnh được nhà thầu khuyến mại thêm, thêm 1.300 bộ xét nghiệm, được định giá 600 triệu đồng; tăng thời hạn bảo hành thiết bị từ 1 năm lên 5 năm. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, trước khi mua thiết bị trên, tỉnh có lập hội đồng thẩm định giá...

Cùng mua sắm hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, hiệu Cobas 4800 như tỉnh Thái Bình nhưng tỉnh Ninh Bình không theo hình thức chỉ định thầu mà tổ chức đấu thầu rộng rãi. Theo ông Phạm Văn Hiệp- Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện thông báo giá gói thầu là 5,98 tỷ đồng, Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt sau đó đã trúng thầu với giá 5,9 tỷ đồng. Ngoài hệ thống xét nghiệm, Bệnh viện chi thêm gần 2 tỷ để mua sắm thêm một số thiết bị đi kèm khác như tủ lạnh âm sâu, tủ lạnh bảo quản, máy ly tâm, máy gia nhiệt khô, máy lắc...; nâng tổng kinh phí mua sắm thiết bị lên 7,8 tỷ đồng. Khi mua hệ thống xét nghiệm này, Bệnh viện được Tâm Việt bảo hành trong 3 năm và tặng thêm 1.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, được định giá khoảng 400 triệu đồng.

Còn tại tỉnh Nam Định, ngày 6/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã được tiếp nhận, lắp đặt hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử Realtime PCR, phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 và các loại virus khác. Những ngày qua, sau khi việc nâng khống giá trị máy xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị phát hiện, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Nam Định mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã yêu cầu Sở Y tế và các sở ngành liên quan tiến hành rà soát lại toàn bộ trình tự, thủ tục mua sắm; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Với Nghệ An, chiều ngày 28/4, thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, dù được phê duyệt mua máy xét nghiệm Covid-19 (giá phê duyệt là dưới 8 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay Nghệ An vẫn chưa mua vì qua tham khảo thấy giá đắt đỏ nên tỉnh Nghệ An đi mượn máy xét nghiệm của các bệnh viện trên địa bàn.

Chiều ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với ông Cao Minh Chu- Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ về việc mua máy Real-time RCR phục vụ xét nghiệm Covid-19, ông Chu cho biết TP Cần Thơ có 2 máy xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên 2 máy này được mua từ 2 đến 3 năm trước. Còn tại tỉnh Kiên Giang cũng có 2 máy xét nghiệm Covid-19 đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc. Trong đó, máy của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mua từ ngân sách nhà nước, còn thiết bị đặt tại Trung tâm Y tế Phú Quốc được doanh nghiệp tài trợ.

Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, máy xét nghiệm Covid-19 mua đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang với giá 3 tỉ đồng; chỉ cần mua thêm máy chiết tách mẫu tự động trị giá 200 triệu là hoạt động được. Còn Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc do không có các thiết bị xét nghiệm khác nên phải mua thêm với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, máy xét nghiệm Covid-19 là thiết bị cấp bách nên chỉ định thầu chứ không đấu thầu, nếu đấu thầu thì 3 tháng cũng chưa có...

Trong khi đó, được biết Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cũng mua mới máy xét nghiệm Covid-19 để đặt tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu với giá trên 3 tỷ đồng. Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu, mua máy xét nghiệm phải có thiết bị kèm theo để đồng bộ.

Sáng ngày 28/4, làm việc với PV báo Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Văn Hai- Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, từ lúc có chủ trương mua máy đến khi lắp đặt đưa vào sử dụng vỏn vẹn có 20 ngày, vừa điều hành chống dịch, vừa lo đưa người đi đào tạo, làm tất cả các thủ tục và bố trí cơ sở vật chất để lắp đặt máy, “nhưng tôi khẳng định hoàn toàn không có khuất tất trong vụ việc này. Tất cả sẽ được công khai vì tôi không muốn ai đó nghĩ mình lợi dụng lúc chống dịch để làm điều sai trái”.

Ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định: “Quảng Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho chống dịch và đã đạt được những kết quả tốt. Nhưng chúng tôi mong muốn việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động phải được minh bạch, công khai rõ ràng tại cuộc họp vào chiều ngày 29/4”.

Ông Thanh cũng cho biết, sau khi nghe báo cáo cụ thể, nếu xét thấy trường hợp cần thiết sẽ giao Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra toàn bộ việc mua sắm này, nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Theo Nhóm PV

Báo Đại Đoàn Kết