Hơn 5% doanh nghiệp thừa nhận từng thực hiện hành vi "lót tay"
(Dân trí) - Về hành vi trả chi phí ngoài quy định, 59,1% doanh nghiệp cho biết không trả khoản chi phí này. Song có 5,1% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi trả chi phí ngoài quy định.
Chi tiết này là điểm đáng chú ý trong Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành vừa được công bố sáng 3/11.
Cuộc khảo sát do VCCI, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp thực hiện với sự tham gia của 3.048 doanh nghiệp trên cả nước.
Báo cáo nêu ra nhiều điểm tích cực như những cải cách đáng kể trong quản lý kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ ngành bắt đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành ở các mức độ, hình thức khác nhau; nhiều thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa, nhiều quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý...
Tuy nhiên, theo báo cáo, khoảng 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã gặp ít nhất một loại khó khăn trong quá trình tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Những khó khăn phổ biến nhất là "nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lắp", "thái độ của công chức không đúng mực" và bị "yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định".
Khoảng 8% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ có mặt hàng bị kiểm tra bởi từ 2 bộ ngành trở lên. Trong đó, khoảng 81,5% cho biết tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém về thời gian và chi phí thủ tục cho doanh nghiệp.
Với câu hỏi về hành vi trả chi phí ngoài quy định, 59,1% doanh nghiệp cho biết không trả khoản chi phí này. Trong khi đó, có 35,8% doanh nghiệp không muốn cung cấp thông tin hoặc không chắc về hành động mà doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có 5,1% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận đã từng thực hiện hành vi chi phí ngoài quy định.
Về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng TTMCQG, theo báo cáo, nhìn chung các kết quả đánh giá cho thấy các chức năng được cung cấp trên Cổng TTMCQG tương đối tốt so với số đông doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những trục trặc nhất định đối với chức năng chỉnh sửa hồ sơ và rút (hủy) hồ sơ.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, kết quả cuộc khảo sát đã phản ánh những nỗ lực của các bộ ngành trong thời gian qua, đồng thời phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó đưa ra những giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.