1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank (NAB) chính thức giao dịch trên Upcom

(Dân trí) - Sáng nay, ngày 9/10, tại Hà Nội, hơn 389 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với mã chứng khoán là NAB đã chính thức lên UPCoM.

Giá tham chiếu NAB trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch hơn 3.890 tỷ đồng.

Hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank (NAB) chính thức giao dịch trên Upcom - 1

Ông Trần Ngọc Tâm – Tổng Giám đốc Nam A Bank đánh tiếng cồng khai trương trong ngày giao dịch đầu tiên.

Trong tổng số hơn 389 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, có hơn 49,3 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Trong đó, đa phần là số cổ phần của thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Ban kiểm sát, Tổng Giám đốc của Nam A Bank, số cổ phần này không được chuyển nhượng trong thời gian người đại diện đang đảm nhiệm chức vụ tại Ngân hàng. Bên cạnh đó, hơn 1.000 cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng do đây là cổ phần lẻ phát sinh do làm tròn số trong đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Đại diện Nam A Bank cho biết: “Việc Nam A Bank chọn niêm yết trên sàn UPCoM thay vì lên sàn HoSE là để có lộ trình cọ xát từng bước nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Song song đó, việc niêm yết trên sàn UPCoM cũng giúp cổ phiếu Nam A Bank tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông”

Ngoài việc lên sàn UPCoM, hiện Nam A Bank đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc tăng vốn điều lệ đợt 2 từ mức hơn 3.890 tỉ đồng lên mức hơn 4.564 tỉ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank (NAB) chính thức giao dịch trên Upcom - 2
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở GDCK Hà Nội (bìa trái) trao giấy chứng nhận niêm yết cho đại diện Nam A Bank – Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Phó Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.

Song song đó, trong những tháng cuối năm nay Nam A Bank cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỉ đồng thông qua hai phương án là phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỉ đồng) để chi trả cổ tức với tỉ lệ 12,4878% và thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần (tương đương 1.430 tỉ đồng).

Nam A Bank được thành lập từ năm 1992 với số vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng và gần 50 nhân viên và một số chi nhánh… Đến năm 2006, Nam A Bank tăng vốn lên được 550 tỷ đồng và thành lập Công ty Quản lý nợ và Khai tác tài sản (AMC). Năm 2011, Ngân hàng đạt mức vốn điều lệ bằng mức vốn pháp định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. So với năm 1992, vốn điều lệ hiện nay của Ngân hàng đã tăng gấp hơn 91 lần, tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng và gần 110 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc.

Đặc biệt, kết quả kinh doanh của Nam A Bank có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm từ 2017-2019, với lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng lên mức 925 tỷ đồng, gấp 3.1 lần so với con số 301 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2017. 

Với phương châm “Ngân hàng đẹp – dịch vụ tốt”, hệ thống mạng lưới Nam A Bank từ Hội sở đến các đơn vị kinh doanh được thiết kế với kiến trúc đẹp, cơ sở vật chất sang trọng, đẳng cấp cùng trang thiết bị hiện đại theo chuẩn nhận diện nhất quán. Song song đó, Nam A Bank đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đua “số hóa”. Đây là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot – Robot OPBA vào phục vụ giao dịch trên toàn hệ thống. Đồng thời, Nam A Bank đang chuẩn bị triển khai Onebank- hệ thống máy giao dịch tự động trên toàn hệ thống. Onebank sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngân hàng như: khách hàng có thể mở tài khoản, chuyển tiền- nộp tiền, in/xem sổ phụ tài khoản… và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy Onebank. Ngoài ra, “Không gian giao dịch số” ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI của Nam A Bank còn có nhiều trang thiết bị hiện đại khác như: tablet, LCD touch screen…

Những bước tiến liên tục của Nam A Bank trong quá trình tăng vốn điều lệ, lên sàn chứng khoán, gia tăng chất lượng tài sản, “phủ sóng” mạng lưới, đẩy mạnh “số hóa”… sẽ giúp ngân hàng tăng tính minh bạch, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường tài chính ngân hàng.