1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hơn 10 triệu hộ nông dân vẫn đang phải “tự bơi”

(Dân trí) - Kinh tế nông nghiệp của miền Bắc vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ có tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Chưa đầy 10% số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Hơn 10 triệu hộ nông dân hiện vẫn đang phải “tự bơi".

Đó là ý kiến của GS Đỗ Thế Tùng nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tại hội thảo khoa học với chủ đề “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa - đột phá phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị - từ thực tiễn Hà Nam” do Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp tổ chức ngày 17/4.  Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp nông thôn,

Hội thảo nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hội thảo nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu nhất quán của chủ trương này là nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, đưa đời sống của người nông dân ngày một nâng cao. Trong những năm qua, công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành tích hết sức to lớn, bộ mặt nông thôn đã thay đổi mạnh mẽ, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn cho thấy, công cuộc này còn có những hạn chế, thách thức cần sớm phải giải quyết. Việc tìm ra giải pháp, chủ trương để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, cũng như các tỉnh thành khác, Hà Nam luôn coi trọng vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng nông thôn, hình thành liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, tổ chức các mô hình sản xuất…nhằm phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Hà Nam cũng đã đạt được những thành tích nhất định, trong đó có việc xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao (nấm, bí đỏ, rau đậu tương…), các mô hình cánh đồng mẫu lớn, hình thành các khu chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại hóa…

Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng nông thôn, tỉnh đã xây dựng được gần 3.000km đường thôn xóm bê-tông, trên 600km đường trục chính ra đồng, có chính sách thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp…

Tuy nhiên, quá trình phát triển, HĐH, CNH nông nghiệp và nông thôn tại Hà Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức. "Tỉnh rất mong muốn qua hội thảo này sẽ nhận được những đóng góp tâm huyết, thiết thực từ các đại biểu để công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Hà Nam tiếp tục có những bước phát triển mới", ông Mai Tiến Dũng bộc bạch.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia, học giả và lãnh đạo các bộ, ban nghành, địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến, chia sẻ nâng cao chất lượng CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Thế Trung, phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, hiện quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đang gặp phải 3 khó khăn chủ yếu gồm: Nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của hầu hết người nông dân còn chuyển biến chậm. Hai là quá trình tích tục ruộng đất tại hầu hết các tỉnh thành trong thời gian qua còn diễn ra chậm. Thứ 3 là chưa có sự đột phá trong việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu chế biến.

Còn Giáo sư Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) lại chỉ ra một thách thức có tính gay gắt, cản trở quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền Bắc đó là vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ có tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Theo thống kê, có chưa đầy 10% số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, có đến hơn 10 triệu hộ nông dân hiện vẫn đang phải “tự bơi”.

Hội thảo nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Các đại biểu thảo luận và đưa ra kiến nghị, giải pháp, nâng cao chất lượng CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Còn ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, muốn có công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiệu quả, năng lực quản lý của cán bộ cấp cơ sở trực tiếp với người nông dân phải được củng cố, nâng cao.

Sau các bài tham luận, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một loạt những kiến nghị, giải pháp. Trong số đó, có đề xuất tiến hành cơ cấu lại, hay nói khác là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; hình thành tích tụ ruộng đất song song với quy hoạch lại ruộng đất, quy hoạch lại sự phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Trong thời gian tới, cần phải đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo hướng giúp người nông dân trở thành người nông dân công nghiệp, có tri thức, có khả năng áp dụng khoa học vào sản xuất. Cũng theo các đại biểu, việc liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) cần phải được tiến hành một cách thiết thực.

Đức Văn

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”