1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hơn 10 đoàn thanh tra, kiểm toán "ghé" doanh nghiệp mỗi năm: Thủ tướng “lệnh” chấn chỉnh

(Dân trí) - Mặc dù, Nghị quyết 35 của Chính phủ yêu cầu chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm, song theo trên thực tế vẫn diễn ra tình trạng, không ít doanh nghiệp 1 năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đơn kiểm tra không chính thức.

Trước thềm hội nghị giữa Thủ tướng và doanh nghiệp (DN) dự kiến diễn ra ngày mai (17/5) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thiện bản báo cáo sơ kết 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN.

Tại bản báo cáo này, VCCI cho biết, nhiều DN ghi nhận đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết 35 như: “Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng” hay “giải quyết thủ tục hành chính cho DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.

Từ đây DN đã mạnh dạn có quyền nêu ý kiến của mình khi đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra hay thực hiện thủ tục hành chính.

“Mặc dù những tinh thần và quy định này chưa được thực hiện đều khắp ở các địa phương, bộ ngành nhưng bước đầu đã tạo ra những hiệu ứng hết sức tích cực”, theo VCCI.

Việc tiếp quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra trở thành gánh nặng với doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Việc tiếp quá nhiều đoàn thanh, kiểm tra trở thành gánh nặng với doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Hơn một nửa DN bị kiểm tra trùng lặp

Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng DN than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Không ít DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.

Mặt khác, nhiều DN có ý kiến về công tác đối chiếu thuế, lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm dẫn đến tình trạng DN đã đóng thuế nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế.

Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy, có 37% số DN thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Còn khoảng 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016.

Trong những DN có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt DN cho rằng nội dung của các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau.

Đáng chú ý là các đợt kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với DN chế biến thực phẩm đang trở thành gánh nặng do phải chịu giám sát của nhiều bộ ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương.

“Cá biệt có những trường hợp DN bị kiểm tra 9 lần trong một năm, cho dù nội dung không giống nhau nhưng đã gây áp lực rất lớn tới DN” – VCCI phản ánh.

Chính vì vậy, theo đề nghị của VCCI, trong thời gian tới, cần tăng cường việc kế thừa kết quả kiểm tra giữa các cơ quan để giảm bớt sự chồng chéo trong nội dung kiểm tra.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN

Sáng nay (16/5), Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN và giải quyết trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/5/2017.

Điều này nhằm kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm. Mặt khác cũng là tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.

Thanh tra Chính phủ cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II.

Thủ tướng nêu rõ: “Không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.

Bích Diệp