1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bị kiểm tra thuế quá nhiều, doanh nghiệp tăng "lót tay" để tránh bị "hành"

(Dân trí) - “Các doanh nghiệp vẫn phản ánh có tình trạng bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều nên trong quá trình thanh tra phải chi thêm nhiều khoản chi cho các cán bộ thuế để không bị "hành", ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị”, đại diện VCCI thông tin sau đợt khảo sát doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế mới đây.


Toàn cảnh buổi công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về cải cách thủ tục hành chính thuế (ảnh: BD)

Toàn cảnh buổi công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về cải cách thủ tục hành chính thuế (ảnh: BD)

Cán bộ thuế cố tình gây khó dễ cho DN

Trình bày báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế năm 2016 diễn ra sáng nay (7/3), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những thủ tục gây phiền hà nhất cho DN hiện nay là thủ tục khai thuế, khai quyết toán thuế; hoàn thuế, đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế...

Trong đó, việc hoàn thuế vẫn là vấn đề nhận nhiều phản ánh "sinh động" từ phía cộng đồng DN. Thông thường, với phương thức hoàn trước, kiểm tra sau hay kiểm tra trước, hoàn sau thì các DN cũng chỉ mất 2 lượt đi lại giải trình với cơ quan thuế. Thế nhưng, trên thực tế, có một số trường hợp cho biết, DN phải đi lại giải trình trên 10 lần nếu hoàn trước, kiểm tra sau và một vài trường hợp cá biệt phải đi lại tới 15, thậm chí 20 lần nếu kiểm tra trước, hoàn sau.

Khi đã được chấp nhận hoàn thuế rồi thì hành trình nhận được tiền hoàn thuế cũng vô cùng gian nan. Thông thường, với những hồ sơ hợp lệ thì chỉ 15 ngày là DN nhận được quyết định hoàn thuế và 7 ngày sẽ nhận được tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía DN, có 4% DN cho biết nhận được quyết định hoàn thuế sau hơn 90 ngày và 3% DN mất khoảng 90 ngày mới nhận được tiền hoàn thuế. Cá biệt có doanh nghiệp mất tới 1 năm mới nhận được tiền về tài khoản.

Thậm chí, có những DN mặc dù trong diện được hoàn thuế GTGT nhưng đã không thực hiện thủ tục hoàn thuế vì cho rằng thủ tục quá phức tạp, yêu cầu khó đáp ứng, lo ngại thời gian thực hiện thủ tục kéo dài và phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức cho việc hoàn thuế này.

Do thủ tục hoàn thuế của DN mất thời gian rất lâu nên khi DN có hàng hóa kinh doanh không dám làm vì thời gian đọng vốn quá lâu gây khó khăn về tài chính cho DN. Nhiều DN đã vì thế mà tạm ngừng hoạt động rồi bỏ trốn.

"Phải quy định cụ thể thời gian nhận hồ sơ và thời gian trả lời hồ sơ, yêu cầu chấn chỉnh lại bộ phận nhận hồ sơ hoàn và cán bộ kiểm tra. Vì khi nộp hồ sơ, họ cố tình không đóng dấu ngày nhận lên hồ sơ gây khó dễ cho DN trong việc xác định thời gian hoàn thuế. Cần kiểm tra, thanh tra thuế cán bộ hay gây khó dễ với DN", ông Đậu Anh Tuấn dẫn kiến nghị DN cho hay.

Đến kiểm lâm cũng thanh tra…thuế!

Kết quả khảo sát được VCCI công bố sáng nay cũng đề cập đến một vấn đề "nóng" là tình hình thanh tra, kiểm tra DN trong lĩnh vực chấp hành pháp luật về thuế. Vấn đề muôn thuở, càng là những "ông lớn" thì càng phải đón tiếp thanh tra nhiều, bởi khi quy mô càng lớn thì xác suất DN gặp sai sót càng cao - đây cũng chính là lý do khiến ngành thuế "chăm" vào kiểm tra nhằm lập thành tích.

Điều này đang đi ngược lại với xu hướng phát triển khi DN cứ kinh doanh càng lớn thì chi phí thực hiện TTHC lại càng cao. Thực trạng này, theo đại diện VCCI, cần phải được khắc phục để tạo động lực cho DN, nhất là khi sắp tới ngành thuế sẽ thực hiện thanh, kiểm tra theo khoanh vùng rủi ro.

Nhiều DN lựa chọn việc lót tay cán bộ thuế để không bị hành
Nhiều DN lựa chọn việc "lót tay" cán bộ thuế để không bị "hành"

Một thông tin cũng đáng chú ý là ngoài việc bị thanh, kiểm tra bởi cơ quan thuế thì DN bị yêu cầu thanh tra, kiểm tra bởi những cơ quan khác như công an kinh tế, cơ quan an ninh, kiểm toán, quản lý thị trường, đáng ngại là còn có cả cơ quan kiểm lâm cũng tham gia kiểm tra thuế... nên rất phiền hà và mất thời gian.

Những tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra phần lớn vẫn là những vấn đề cũ, dù đã được cải thiện, như nội dung trùng lắp, cán bộ thuế suy diễn gây bất lợi cho DN, DN phải chi các chi phí phi chính thức trong các lần thanh tra, kiểm tra.

"Các DN vẫn phản ánh có tình trạng bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều nên trong quá trình thanh tra phải chi thêm nhiều khoản chi cho các cán bộ thuế để không bị "hành", ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Và khi đến DN thực hiện thanh, kiểm tra thuế, cán bộ thuế dường như chỉ chăm chăm tìm ra lỗi sai phạm để xử phạt chứ không phải nhằm mục đích hướng dẫn, hỗ trợ DN", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Trong kết quả khảo sát của VCCI lần này có một xu hướng đáng lo ngại là việc trả chi phí không chính thức có dấu hiệu gia tăng (từ 32% năm 2014 lên 34% năm 2016).

“DN dù làm đúng vẫn phải có khoản phí bôi trơn vì sợ sẽ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh kiểm tra thuế”, ông Đậu Anh Tuấn phản ánh, đồng thời cho rằng, cần phải có những hình thức kỷ luật đối với những công chức có thái độ nạt nộ, hách dịch, thiếu nhiệt tình thân thiện với người nộp thuế. Bởi, các khoản phải nộp không chính thức còn tồn tại quá nhiều đang gây mất công bằng và tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Các DN cũng than phiền rằng, chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, DN chưa kịp thông suốt thông tư, nghị định này thì đã có thông tư, nghị định khác xuất hiện. Bên cạnh đó, còn có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến DN không biết. Do vậy, sai sót là khó tránh khỏi vì quá nhiều văn bản mới.

Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều lúc cơ quan thuế không trả lời thắc mắc qua điện thoại mà yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan thuế mặc dù đó chỉ là thắc mắc nhỏ. Cá biệt, có trường hợp cho biết “có vấn đề cần hỏi gọi điện không ai nghe máy”.

Do hiểu biết của DN chưa thật đầy đủ về luật thuế và những quy định về thủ tục hành chính thuế dẫn đến những vi phạm không cố ý đáng tiếc xảy ra.

Chính vì vậy, chỉ đạo cuối buổi công bố, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đặt vấn đề, ngành thuế cần thay đổi tư duy từ cơ quan “quản lý thuế” sang bộ phận “cung cấp dịch vụ về thuế”, coi người dân doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, là khách hàng thay vì đối tượng quản lý như hiện nay.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm