1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hơn 1/4 lượng hoá chất nhập về Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc

(Dân trí) - Trong các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng hai con số 2 tháng đầu năm 2017, hoá chất và sản phẩm hoá chất lọt vào nhóm hàng có tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ 2016, với tổng giá trị 1,2 tỷ USD. Đáng nói, 1/4 giá trị nhập khẩu mặt hàng này đến từ Trung Quốc.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu hóa chất đạt hơn 555 triệu USD, tăng hơn 30%; sản phẩm hóa chất đạt hơn 597 triệu USD, tăng hơn 22,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng kim ngạch nhập khẩu hóa chất, sản phẩm hóa chất đạt hơn khoảng 1,2 tỷ USD (27.200 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày nhập khoảng 454 tỷ đồng hóa chất, sản phẩm hóa chất).

Nhập khẩu mặt hàng hóa chất từ Trung Quốc đang tăng mạnh (ảnh minh hoạ)
Nhập khẩu mặt hàng hóa chất từ Trung Quốc đang tăng mạnh (ảnh minh hoạ)

Về thị trường, hiện Việt Nam nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất từ hơn 20 đối tác nhưng nhiều nhất là 4 thị trường chính: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Cụ thể, 2 tháng qua, giá trị nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc đạt hơn 299 triệu USD, chiếm 25% so với tổng kim ngạch; từ Hàn Quốc đạt 137 triệu USD (11%); từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt 143 triệu USD (12%) và từ Nhật Bản đạt 109 triệu USD (9%).

Như vậy, kim ngạch nhập khẩu hóa chất, sản phẩm hóa chất của Việt Nam từ Trung Quốc bằng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu của 20 thị trường cộng lại và gấp đôi so với 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất kể trên.

Đáng nói là tốc độ tăng nhập khẩu của hóa chất, sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc so với các năm về trước gia tăng khá mạnh. Hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu mặt hàng trên tăng hơn 57 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016; tăng hơn 60 triệu USD so với cùng kỳ 2015 và tăng hơn 100 triệu so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ gia tăng giá trị nhập khẩu đạt 1,5 lần sau 3 năm.

Đặc biệt, nếu so sánh tỷ lệ nhập khẩu hóa chất, sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc vào Việt Nam từ năm 2014 trở lại đây, mặt hàng hóa chất từ Trung Quốc luôn chiếm từ 25 - 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường khác cộng lại. Giá trị nhập khẩu sản phẩm hóa chất của Trung Quốc về Việt Nam năm 2016 tăng 200 triệu USD so với giá trị nhập khẩu năm 2015 và tăng hơn 230 triệu USD so với năm 2014.

Lượng và giá trị nhập khẩu hóa chất, sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc gia tăng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam nhập ngày càng nhiều hóa chất. Minh chứng năm 2016 giá trị nhập khẩu sản phẩm trên đạt hơn 6,9 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với giá trị nhập khẩu của năm 2015 và năm 2014 (cùng đạt 6,5 tỷ USD).

Hiện các sản phẩm hóa chất Việt Nam nhập về chủ yếu sử dụng cho các ngành công nghiệp hóa chất, nhựa, phân bón vô cơ, y tế, công nghiệp dệt nhuộm, xúc rửa, làm lạnh hệ thống sản xuất phôi thép, gang lỏng tiền chế và là nguyên liệu vật liệu xây dựng, sản xuất kính xây dựng... Một phần trong số này phục vụ điều chế cho thuốc thú y, thuốc trừ sâu.

Với tốc độ phát triển nhanh của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam, nhu cầu hóa chất trong nước không đủ, Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn mặt hàng trên, vì vậy hóa chất, sản phẩm hóa chất luôn nằm trong "top" các sản phẩm nhập khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.

Trên thực tế, việc phụ thuộc nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là sản phẩm đầu vào, sản phẩm hỗn hợp điều chế nhiều cho ngành công nghiệp hóa chất và y tế, xây dựng, nông nghiệp. Phụ thuộc về lượng và giá sẽ khiến chi phí sản xuất biến động, thay đổi khó lường. Trong khi đó ngành hóa chất Việt Nam hiện vẫn chỉ tự chủ được nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các nhà máy hóa chất, phân đạm và một số sản phẩm khác, lượng lớn vẫn phải nhập khẩu.

Theo cơ quan hải quan, hiện hóa chất về Việt Nam có hai dạng, nhập khẩu chính ngạch của doanh nghiệp (có khai báo Hải quan) và lượng nhập khẩu tiểu ngạch không khai báo Hải quan.

Hàng nhập diện tiểu ngạch dù không có thống kê nhưng trên thị trường hiện vẫn tồn tại và có giao dịch khá lớn. Những mặt hàng này đi vào những xưởng gia công thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và pha chế thành dung dịch hóa chất bán tại các chợ hóa chất. Việc buôn bán, sử dụng và lưu hành những sản phẩm hóa chất không rõ nguồn gốc, không hiểu hoạt tính đã và đang ảnh hưởng không nhỏ canh tác cây trồng, vật nuôi, tính đa dạng sinh học, thậm chí là sức khỏe của con người.

Vì sao Việt Nam nhập nhiều và nhập với giá rẻ hóa chất Trung Quốc so với nguồn từ các nước như Ấn Độ, Nga, Israel hay Mỹ - nơi có ngành hóa chất công nghệ cao dùng cho các sản phẩm vật liệu mới?

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính lý giải: Nguyên nhân ban đầu là do lợi thế của vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam ngắn hơn, chi phí cắt giảm tối ưu. Nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất là hóa chất của Trung Quốc vào Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập, đối tượng nhập, là các doanh nghiệp dệt, nhuộm sơ sợi, vải của Trung Quốc, Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam. Hóa chất dệt nhuộm có giá thành rẻ, nhưng nguy hiểm lớn đến môi trường so với hóa chất công nghệ cao từ các nước phát triển.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết thêm trong các ngành sản xuất của công nghiệp nặng cơ bản: Sản xuất phân bón, lọc hóa dầu, sản xuất sắt thép, gang và sản phẩm thép tinh chế (thép cacbon) đều phải sử dụng hóa chất trong một số công đoạn vật liệu. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất giấy, vật liệu kính chịu lực cũng góp phần khiến nhập khẩu hóa chất, sản phẩm hóa chất tăng cao.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm