1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hồi phục kinh tế thế giới: “Con đường ảm đạm”

(Dân trí) - Nhà kinh tế nổi tiếng David Rosenberg cho rằng thị trường bất động sản, tín dụng và chứng khoán sẽ còn đi xuống còn kinh tế Mỹ đang “hồi phục tạm bợ” nhờ các biện pháp cứu vãn nhất thời như trợ giúp ngân hàng và tín dụng nhà đất.

Hồi phục kinh tế thế giới: “Con đường ảm đạm” - 1
Khó khăn cho kinh tế thế giới vẫn hiển hiện phía trước.
 
Tháng 5/2009 Rosenberg đã rời khỏi Merrill Lynch sau 8 năm cống hiến để đảm nhiệm chức vụ kinh tế trưởng của Gluskin Sheff. Rosenberg là một trong số những nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất trên phố Wall nên Fortune đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông về các vấn đề kinh tế đang nóng hiện nay.

Trong khi tình hình việc làm dường như đang ổn định dần và các công ty đều thông báo lãi lớn, tại sao ông vẫn lo ngại về nền kinh tế?

Các nhà phân tích hay áp đặt thực tế hiện tại vào tương lai, họ cho rằng kịch bản kinh tế năm 2009 giống năm 2008, nhưng không phải vậy. Giờ đây người ta lại cho rằng năm 2010 kinh tế tiếp tục hồi phục như năm 2009.

Trên thực tế, những thành tựu đó xuất phát từ các chính sách khôi phục chưa có tiền lệ được áp dụng trên toàn thế giới khiến cho khu vực kinh tế công đủ khả năng bù đắp sự suy sụp của khu vực tư nhân.

Và bây giờ những gì chúng ta đang có là: lãi suất 0%, 2.200 tỷ USD trong bảng cân đối của Fed, thâm hụt ngân sách liên bang chiếm 10,5% GDP. Và câu chuyện nổi bật nhất trong năm 2009 không phải là thị trường chứng khoán tăng tới 70%, mà là 5 triệu việc làm đã biến mất, mặc cho mọi nỗ lực cứu vãn của chính phủ.

Tại sao ông cho rằng tình hình trên phố Wall vẫn đáng lo ngại?

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ thị trường nhà đất, nhưng nó vẫn chưa ổn định. Không ai nhắc đến mối nguy cơ giá nhà có thể giảm thêm từ 10 - 15% do lượng cung quá nhiều.

Điều đó tác động thế nào đến các khoản thế chấp ở ngân hàng? Các nhà phân tích đã quá lạc quan khi dùng giả thiết giá nhà đất ổn định và GDP tăng từ 3 - 4% trong mô hình của họ và dự đoán lợi nhuận cho khu vực ngân hàng.

Nhưng đưa trường hợp giá nhà tiếp tục sụt giảm mạnh vào trong mô hình thì chắc hẳn họ sẽ không còn cười được nữa. Câu hỏi nên được đặt ra là các ngân hàng có đủ dự trữ để chống đỡ thêm nhiều nợ xấu nữa hay không?

Nhưng giá nhà đất có vẻ như đã chạm đáy. Vậy làm thế nào ông tính toán được mức suy giảm lớn như thế?

Cái đáy đó được tạo ra nhờ chính phủ hoãn thời hạn thu hồi nhà và chủ yếu là can thiệp của Fed vào thị trường thế chấp. Nhưng hành động của Fed cũng như các biện pháp cứu vãn tạm thời khác không đủ để khắc phục vấn đề từ phía cung.

Nếu cộng tất cả số lượng nhà mới xây và số nhà sẵn sàng bán, chúng ta sẽ có 7 triệu căn hộ thuộc dạng tồn kho, tương đương với tỷ lệ nhà bỏ không hơn 6%. Theo quy luật cung - cầu thì hệ quả tất yếu là nhà đất sẽ còn chịu sức ép giảm giá trong nhiều quý nữa.

Ông cũng đã từng lên tiếng về vấn đề của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Ai-len - các quốc gia “vùng rìa châu Âu”. Liệu ông có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về những gì đang xảy tại các nước này hay không?

Đã hơn hai năm kể từ khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm và chúng ta vẫn đang chứng kiến thêm một hậu quả của nó - đổ vỡ tín dụng. Thực tế cho thấy mối nguy hiểm lớn nhất của những người đi vay - dù là hộ gia đình hay một chính phủ - đó là vay mượn quá thừa thãi.

Hy Lạp là minh chứng điển hình nhất hiện nay. Quốc gia này phải hứng chịu thâm hụt phình to và gánh nặng nợ nần đang khiến khả năng thanh toán của họ gặp khó khăn lớn - một tình huống không khác nhiều so với những gì đang xảy ra ở California.

Nhưng chúng ta đã có một bài học đau đớn từ vụ phá sản của Lehman Brothers. Vì thế, chúng ta không thể để xảy ra thêm một sự sụp đổ nghiêm trọng nào khác nữa.

Là người từng làm việc cho Merrill, một trong những công ty lớn nhất phố Wall đã sụp đổ và bị bán cho Bank of America, ông nhận xét gì về kế hoạch của Washington nhằm hạn chế những hoạt động mà các ngân hàng lớn được phép tham gia?

Tôi là một trong những người đề xuất kế hoạch Volcker (kế hoạch của cựu Chủ tịch FED Paul Volcker). Tôi tin rằng nên hạn chế rủi ro từ phía các ngân hàng và đặt chúng dưới sự kiểm soát ngặt nghèo hơn. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nhưng nền kinh tế sẽ ổn định hơn.

Sau những gì xảy ra trong quá khứ, chúng tôi hiểu rằng không phải cứ lớn hơn là tốt hơn, chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích từ việc tinh giản hệ thống tài chính hơn là chi phí bỏ ra.

Hoàng Sơn
Theo Fortune

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm