Hối hả bán buôn, làm thêm “kiếm” Tết

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là tới Tết, nhưng từ nhiều tuần nay người dân trong cả nước đã hối hả kiếm việc “ăn theo Tết” như: Cấy thuê, mổ lợn thuê, hay bán buôn chuối xanh, mía thắp hương…

Tranh thủ “kiếm Tết”

Sáng 16/1, đang tất bật chuyển những thùng măng khệ nệ từ xe bán tải xuống, chị Lê Thanh Tú (Tây Hồ) cho biết, vì có mối quen nên chị nhận bán măng, miến… đồ nông sản từ miền núi vận chuyển về.


Từ nhiều tuần nay lao động ở các vùng quê tấp nập lên Hà Nội tìm việc làm thêm (Ảnh chụp tại chợ Long Biên). Ảnh: Minh Nguyệt

Từ nhiều tuần nay lao động ở các vùng quê tấp nập lên Hà Nội tìm việc làm thêm (Ảnh chụp tại chợ Long Biên). Ảnh: Minh Nguyệt

Hiện nay măng khô từ Điện Biên có giá 250.000 đồng/kg nhưng vì lấy tận nguồn và chủ yếu bán cho khách quen nên chị chỉ lấy giá 230.000 đồng/kg. Ngoài măng khô, chị Tú còn nhận lấy đặt hàng theo yêu cầu của khách. “Hiện nay, mình còn nhận đụng thịt lợn mán, gà đồi, dê núi… thậm chí là cả lá dong, gạo nếp nương gói bánh, đồ xôi… Mình chỉ lấy công vận chuyển nên bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường” – chị Tú nói.

Theo chị Tú, mặt hàng được khách đặt mua nhiều chủ yếu là nông sản thiết thực, như miến, măng, gạo nếp, thịt lợn. Hiện chị đã nhận được 30 đơn với số lượng hàng trăm kg thịt và hơn 100kg miến, măng.

Không làm ăn lớn, không chuyên nghiệp như các thương lái nhưng từ nhiều tuần nay chị Nguyễn Thị Lan (Nông Cống, Thanh Hóa) cũng đang hối hả tìm kiếm nguồn hàng để mua bán Tết.

Chị Lan cho biết, bình thường chồng chị đi làm thợ xây, chị ở nhà làm ruộng nuôi con ăn học. Cận Tết này chồng chị đang nhiều công việc, mấy nhà trên thành phố đang muốn hoàn tất nhà sớm nên phải làm ngày làm đêm. Còn chị thì đang dự định năm nay làm mùa xong sớm sẽ mua ít hàng hoa quả về bán Tết.

“Lúa vụ đông mình đã thuê máy cấy nên chắc chẳng vất vả như các năm, thế nên năm nay mình đặt một ít chuối xanh, lá dong, bưởi để bán Tết. Nhà gần chợ, chỉ cần đặt ở nhà, mọi người đi chợ qua tự chọn, tự mua. Không chắc sẽ được lời lãi nhiều, chỉ mong buôn bán dư tiền để mua con gà, cân giò, mấy hộp bánh thắp hương cho Tết đủ đầy, ấm cúng là mình vui rồi” – chị Lan nói.

Theo chị Lan, để kiếm thêm một vài trăm mua quà, sắm Tết, nhiều nông dân tranh thủ xuống đồng cấy sớm rồi nhận cấy thuê cho nhà hàng xóm lấy tiền. Hiện nay, giá một ngày công cấy thuê khá cao, từ 300.000-350.000 đồng, chưa kể tiền ăn trưa.

Dịch vụ thịt lợn thuê lên ngôi

Mặc dù chưa tới Tết nhưng hiện nay ông Nguyễn Văn Hùng (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã nhận hơn 10 đơn hàng thuê làm thịt lợn. Gần đây, thay vì mua lợn, mua giò ngoài chợ, người dân ở quê thích chung tiền mua lợn, đụng lợn chung vì giá rẻ, thịt lại ngon.

“Tôi nhận làm thịt lợn thuê, giết mổ, pha thịt, làm sạch lòng, giá mỗi con chỉ từ 300.000 đồng. Nếu xay giò, luộc giò, làm chả thì trả thêm tiền. Mức giá này là rẻ nhất ở cả khu này rồi, không ở đâu rẻ hơn được nữa. Mỗi ngày trung bình tôi có thể mổ 4 -5 con lợn, nhận xay được cả trăm cái giò” – ông Hùng nói.


Dịch vụ mổ thịt lợn thuê lên ngôi (ảnh chụp tại Nam Từ Liêm, Hà Nội).  Ảnh: Gia Tưởng

Dịch vụ mổ thịt lợn thuê lên ngôi (ảnh chụp tại Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Gia Tưởng

Có ngày làm nhiều quá, vợ chồng ông Hùng đều mệt chẳng muốn ăn cơm nước gì, thế nhưng nghĩ đến việc Tết đến, còn bao khoản phải tiêu thì lại cố gắng làm việc. Như Tết năm trước, ông Hùng nhận mổ lợn thuê và làm giò, chỉ trong khoảng 10 ngày cũng kiếm được gần chục triệu đồng, mang về một cái Tết đủ đầy cho gia đình.

Ông Lê Canh Hà, ở đội 5 cùng xã với ông Hùng thì tận dụng thời điểm Tết nhận gói giò, bánh chưng thuê. Không như thành phố, hiện nay ở quê nhu cầu gói giò, bánh chưng tăng cao. Giá cho một ngày công từ 300.000-500.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng bánh và công việc. “Công việc gói bánh tưởng như đơn giản nhưng rất vất vả bởi phải ngồi nhiều và khéo tay mới làm được. Sau khi nhận đơn hàng, tôi sẽ tới từng nhà gói bánh. Như năm ngoái, tôi nhận gói thuê bánh chưng cho 4- 5 nhà, đến lúc mỏi quá đành phải nghỉ không nhận nữa” – ông Hà nói.

Theo ông Hà, ông chỉ nhận gói bánh, còn công việc ngâm gạo, làm lá, sắp lá dong… là của chủ nhà. Nhiều hôm, gói xong trăm cái bánh chưng, cơ thể đau rã rời, tay phồng rộp. Tuy nhiên, gói bánh cũng có niềm vui vì giữ được nghề truyền thống của gia đình. Ngoài ra, ông còn truyền dạy lại nghề gói bánh chưng cho con và cháu.

“Căn” được nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, nhiều người tranh thủ lựa chọn những mặt hàng thiết yếu để bán buôn, ví như hoa, quả, nông sản, quần áo… Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất có lẽ là nông sản như gạo nếp, miến dong, măng khô. Thời điểm cận Tết cũng là thời điểm để cho lao động ở quê ra thành phố tìm kiếm công việc thời vụ như: Nhận bốc vác, chở hàng, lau dọn nhà… kiếm thêm tiền về lo Tết.

Theo Minh Nguyệt
Dân Việt