Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn 61 tỷ đồng tiền mặt

(Dân trí) - Mặc dù doanh thu quý 1 của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, tập đoàn này vẫn lỗ 79 tỷ đồng trước thuế. Tiền mặt đến 31/3/2020 còn 61 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn 61 tỷ đồng tiền mặt - 1

Doanh thu tăng vọt gấp đôi cùng kỳ cũng không "cứu" Hoàng Anh Gia Lai thoát lỗ

Kết “ngọt” từ trái cây

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với doanh thu tăng vọt, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng 426 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, từ con số 410 tỷ đồng lên 836 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần trong quý 1 năm nay đạt 834 tỷ đồng.

Nguồn thu đầu năm của công ty bầu Đức chủ yếu gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây. Trong cơ cấu doanh thu thì doanh thu trái cây chiếm tỷ trọng lớn với 695 tỷ đồng, tăng 496 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nguyên nhân chủ yếu do diện tích doanh thu trái cây quý 1 năm nay nhiều hơn so với quý 1/2019.

Bên cạnh đó, doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng tăng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 31 tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu bán ớt lại giảm 39 tỷ đồng vì không phát sinh khoản doanh thu này trong quý 1/2020. Doanh thu bán mủ cao su cũng thu hẹp 33 tỷ đồng xuống còn 68 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ khác giảm 8 tỷ đồng so với cùng kỳ xuống còn 42 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán trong kỳ của Hoàng Anh Gia Lai tăng khá mạnh, chủ yếu là giá vốn trái cây. Trong 3 tháng đầu năm, giá vốn hàng bán của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng 226 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 lên 551 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, riêng giá vốn trái cây tăng 252 tỷ đồng lên 392 tỷ đồng.

Tuy vậy, tổng kết lại, tập đoàn này vẫn lỗ. Giải trình về khoản lỗ trong quý 1/2020, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết, khoản lỗ 79 tỷ đồng trước thuế này bao gồm lỗ hoạt động kinh doanh 65 tỷ đồng và lỗ khác 14 tỷ đồng.

Trong đó, lỗ hoạt động kinh doanh chủ yếu xuất phát từ gánh nặng chi phí tài chính 324 tỷ đồng và lỗ do đánh giá chênh lệch tỷ giá cao.

Lỗ khác do tập đoàn tiếp tục đánh giá lại các tài sản không hiệu quả. Trong quý 1 năm nay, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận khoản lỗ khác gần 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, khoản mục này lãi 272 tỷ đồng.

Chi tiết, mặc dù chi phí lãi vay đã giảm 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 nhờ số dư nợ vay giảm nhưng con số tuyệt đối vẫn cao ở mức 267 tỷ đồng (bình quân mỗi ngày lãi vay 3 tỷ đồng). Chưa kể, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng mạnh, gần gấp đôi từ 24 tỷ đồng của cùng kỳ lên con số 45 tỷ đồng.

Hơn nữa, Hoàng Anh Gia Lai có hoàn nhập các khoản dự phòng liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2017, 2018, nhưng khoản thu nhập này lại không phát sinh trong quý 1/2020.

Nếu như cùng kỳ năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai nhận được 29 tỷ đồng phần lãi từ công ty liên kết thì năm nay, khoảng này chỉ còn trên 2 tỷ đồng.

Tồn kho tăng mạnh

Trong việc kiểm soát chi phí, giữa lúc chi phí bán hàng tăng mạnh gấp 2,2 lần lên 84 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp của tập đoàn này lại được tiết giảm đáng kể, từ 166 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 99 tỷ đồng của năm nay.

Kể quả, Hoàng Anh Gia Lai vẫn khép lại kỳ kinh doanh đầu tiên trong năm 2020 với mức lỗ thuần gần 65 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 74% so với cùng kỳ). Tổng lỗ lợi nhuận trước thuế hơn 79 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 20 tỷ đồng); lỗ sau thuế hơn 78 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 22 tỷ đồng), trong đó, lỗ thuộc về công ty mẹ hơn 69 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai thời gian qua tăng giá tích cực. Mặc dù phiên 29/4, HAG khép lại phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ với mức giảm 1,1% xuống 3.600 đồng, song ở mức giá này, HAG vẫn tăng hơn 41% trong vòng 1 tháng giao dịch.

Trong đợt xem xét mới đây, HAG tiếp tục bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa vào diện cảnh báo do trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Hoàng Anh Gia Lai tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ trọng yếu.

Cụ thể, công ty kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (tồn tại từ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017, 2018 và BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2019) và thêm ý kiến ngoại trừ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán có ý kiến nhấn mạnh liên quan đến việc khoản nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai  tại ngày 31/12/2019 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 1.016 tỷ đồng, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 thể hiện, tài sản ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai tại ngày 31/3/2020 sụt giảm mạnh so với đầu năm, giảm từ gần 7.074 tỷ đồng xuống còn 6.504 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là tiền mặt công ty này chỉ còn khoảng 61 tỷ đồng, bằng 24% so với thời điểm đầu năm. Còn hàng tồn kho lại tăng 124 tỷ đồng lên 2.325 tỷ đồng. Tổng tài sản toàn tập đoàn này đến 31/3 vừa rồi là 39.366 tỷ đồng; nợ phải trả 22.952 tỷ đồng.

Mai Chi