Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ báo lỗ, tổng nợ phải trả hơn 32.000 tỉ đồng
(Dân trí) - Kết quả lỗ gần 600 tỉ đồng quý IV đã kéo lợi nhuận sau thuế năm 2015 của HAGL sụt giảm mạnh, còn chưa bằng phân nửa năm 2014. Trong khi đó, áp lực nợ gia tăng với tổng nợ phải trả tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với 1 năm trước.
Sau hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở, cuối ngày 14/3/2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán HAG) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2015.
Đáng chú ý là trong quý IV/2015, HAGL bất ngờ báo lỗ 589 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2014 có lãi 42,4 tỉ đồng). Trong đó, mức lỗ sau thuế của công ty mẹ là hơn 566 tỉ đồng.
Con số này đã kéo sụt lợi nhuận cả năm của HAGL xuống còn 678,6 tỉ đồng, chỉ bằng 46,6% so với kết quả đạt được năm 2014.
Thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh, có thể thấy hai nguyên nhân lớn khiến HAGL giảm lãi mạnh trong năm, đó là do giá vốn hàng bán tăng mạnh gấp 2,3 lần lên 4.278 tỉ đồng và chi phí tài chính tăng 1,8 lần so với năm trước, lên 1.303,5 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL ở mức 32.641 tỉ đồng, tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây chính là mối lo ngại lớn của cổ đông cũng như nhà đầu tư đối với HAGL trong bối cảnh hiện tại.
Nợ ngắn hạn cuối năm xấp xỉ 12.800 tỉ đồng, tăng 35% so đầu năm, trong khi tài sản ngắn hạn là 13.153 tỉ đồng (tăng 36%). Hàng tồn kho tăng mạnh gần 1.600 tỉ đồng sau 1 năm, ở mức 3.650 tỉ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính còn cho thấy, cuối năm 2015, tập đoàn này có hơn 8.000 tỉ đồng tiền đi vay, tăng 17% so với một năm trước đó. Riêng khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng gần gấp ba, lên xấp xỉ 3.200 tỉ đồng. Ngoài ra, năm vừa rồi HAGL phát sinh thêm khoản vay ngắn hạn thông qua trái phiếu chuyển đổi là 1.130 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2015, chi phí xây dựng dở dang của HAGL tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với năm 2014, lên xấp xỉ 12.300 tỉ đồng. Trong đó, tập đoàn của bầu Đức dành tới hơn 10.600 tỉ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây cao su và cây cọ dầu (hơn gấp rưỡi năm 2014).
Chi phí dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar cũng bị đẩy lên gấp đôi gần 5.500 tỉ đồng. Chi phí cho nhà máy thủy điện cũng tăng hơn gấp đôi lên 3.300 tỉ đồng. HAGL hiện có 35 công ty con và 5 công ty liên kết.
Bích Diệp