Bầu Đức dùng đàn bò “cứu” những cánh rừng cao su

(Dân trí) - Lợi nhuận của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mảng cao su gần đây sút giảm là một nguyên nhân chính khiến cổ phiếu HAGL (mã HAG) vừa qua trồi sụt. Nhưng, nhờ lợi nhuận từ việc nuôi bò ở Lào, Campuchia, VN cũng đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Cho đến thời điểm này, bức tranh tài chính của HAGL vẫn chưa mấy sáng sủa. Cổ phiếu mã HAG hiện tại dù đã phục hồi so với tháng 1/2016 nhưng đã suy giảm khá mạnh, trên 50% so với đầu năm 2015, khiến giá trị tài sản của HAGL có thời điểm được đánh giá đã suy giảm hàng ngàn tỉ đồng.


Trang trại nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu, Lào

Trang trại nuôi bò của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu, Lào

Nguyên nhân chính của tình hình trên vừa qua đã được các nhà phân tích đầu tư, chứng khoán phân tích, đánh giá rằng, những tham vọng đầu tư đa ngành và những quyết định đầu tư chưa hợp lý “bầu” Đức, dẫn tới những khoản nợ lớn, làm cho tình hình tài chính của HAGL khó khăn.

Điều này, cũng khiến HAGL hiện tại khó mở rộng đầu tư nên triển vọng phục hồi của HAG trong ngắn hạn là khó khăn.

Trong tháng 1/2016, tin đồn về mức nợ quá lớn của HAGL cũng đã khiến giá trị cổ phiếu của Tập đoàn này giảm tới mức kỷ lục, chỉ còn 7.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mệnh giá.

Nhưng khó khăn lớn nhất của HAGL vừa qua chính là do giá nguyên liệu cao su trên thị trường thế giới giảm quá mạnh. Trong khi đây là lĩnh vực đầu tư chính của Tập đoàn tư nhân này.

Theo khảo sát của Dân trí, tại cánh rừng rộng lớn hiện nay của Tập đoàn HAGL trồng tại Lào, Campuchia, đại đa số đang phải dừng khai thác. Công nhân chủ yếu làm nhiệm vụ duy trì, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng.

Ông Phan Thanh Thủ, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh-Attapeu-Công ty con của HAGL tại Lào cho biết: “Thời điểm này giá mủ cao su chỉ còn bằng 1/5 so với giá cao su các năm trước nên chúng tôi chỉ duy trì chăm sóc 30.000 ha cao su hiện có và cũng đã phải giảm bớt nhân công”.

Tuy nhiên, những khoản lợi nhuận lớn từ lĩnh vực kinh doanh khác, chủ yếu là lĩnh vực chăn nuôi lại đang cứu vãn, làm sáng dần báo cáo tài chính của HAGL.

Ngay tại Lào, việc đầu tư chăn nuôi bò thịt của Công ty Cổ phần Hoàng Anh –Attapeu tại tỉnh Attapeu với số lượng đã lến tới 40.000 con đang đem lại hiệu quả kinh doanh cao.

“Chúng tôi vẫn đang đầu tư lớn, nhập bò trên 300 kg về nuôi, sau 6 tháng, trung bình mỗi con đạt trọng lượng 500 kg. Với giá 3,5 USD/kg hiện nay, mỗi con xuất chuồng, chúng tôi lời 400 USD/con và trung bình mỗi ngày xuất chuồng 400 con”, ông Phan Thanh Thủ cho biết.

Hiện nay, tổng số lượng đàn bò nuôi của HAGL tại cả Lào, Campuchia và Việt Nam đạt 100.000 con (tại Campuchia mới đạt 8.500 con). Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết, Tập đoàn này đã lên kế hoạch đầu tư, nâng tổng số đàn bò nuôi ở cả 3 nước lên tới 300 ngàn con.

Ngoài lĩnh vực nuôi bò, theo ông Phan Thanh Thủ, các mảng kinh doanh khác: trồng cọ dầu, trồng mía để làm đường ăn của HAGL cũng đang tăng trưởng nhanh, có lợi nhuận cao.

“Hiện tại, riêng tại Lào, chúng tôi có 8500 ha trồng mía đạt năng suất 120 tấn/ha và 6000 ha trồng cọ dầu. Các mảng đầu tư này cũng đang cho doanh thu và lợi nhuận tốt, bổ sung cho nhau nhờ đó bù đắp cho những khó khăn trong kinh doanh, trồng cao su. Nhưng hiện nay, hiệu quả nhất vẫn là chăn nuôi bò thịt”, ông Thủ cho biết.

Mạnh Quân

Bầu Đức dùng đàn bò “cứu” những cánh rừng cao su - 2