Hoà Phát xin tiếp quản dự án thép tỷ USD tại Dung Quất

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi các Bộ ngành xin ý kiến về dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất. Việc xin ý kiến này là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Công văn này cho biết, qua nhiều lần trao đổi và làm việc với Tập đoàn Hoà Phát, hiện nay Tập đoàn này đã có văn bản chính thức đăng ký thay thế nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép trên khu đất thu hồi từ dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đang triển khai dở dang.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có ý kiến thống nhất chủ trương cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản, mua tài sản thanh lý của dự án Guang Lian để tiếp tục đầu tư dự án.

Hoà Phát xin tiếp quản dự án thép tỷ USD tại Dung Quất - 1

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án thép Hòa Phát Dung Quất có công suất 4 triệu tấn/năm, được phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. So với dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất công suất 5 triệu tấn /năm thì dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hoà Phát có quy mô nhỏ hơn, chủng loại sản phẩm ít hơn.

Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 60.000 tỉ đồng; các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn… Dự kiến được hoàn thành các giai đoạn trong vòng hơn 40 tháng sau khi triển khai.

Chủ đầu tư cam kết sẽ lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường, tiết kiệm năng lượng. Chủ đầu tư cũng cam kết không thải nước ra môi trường bên ngoài, các xỉ luyện gang thép sẽ được thu hồi và sản xuất nguyên liệu khác cho ngành công nghiệp. Sau khi đi vào hoạt động dự án dự kiến có doanh thu 2 tỉ USD, đóng góp 4.000 tỉ đồng/năm cho ngân sách địa phương.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, dự án đăng ký đầu tư của Hòa Phát phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy mô của dự án phù hợp với quyết định của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2020, xét đến năm 2025.

Theo quy định, dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm và miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất áp dụng thuế 10% trong 30 năm do đây là dự án có quy mô lớn.

Nếu được các bộ ngành đồng ý, trước mắt, Tập đoàn Hòa Phát phải chi ngay hơn 266 tỷ đồng để tiếp quản và thanh lý các tài sản mà công ty Guang Lian đã chi cho dự án. Tập đoàn này cũng sẵn sàng chi thêm hơn 22 tỷ đồng (1 triệu USD) để được đối tác ngoại chuyển giao hồ sơ, số liệu liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Guang Lian đã thực hiện trước đây để phục vụ cho dự án của mình.

Dự án thép tại Dung Quất lần đầu được Thủ tướng chấp thuận là năm 2005, cho Công ty TNHH Tycoons Worldwide 100% vốn nước ngoài. Sau nhiều lần thay đổi nhà đầu tư và giấy phép, dự án nâng công suất lên 5 triệu tấn/năm và tổng vốn dự kiến 3 tỷ USD, rồi 4,5 tỷ USD.

Tuy nhiên sau nhiều lần bổ sung ưu đãi nhưng không được chấp nhận, đến giữa năm ngoái, chủ đầu tư đã đề xuất không tiếp tục đẩy mạnh dự án. Đến tháng 7/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án.

Phương Dung