Hóa đơn điện "nhảy múa": Đã có bao nhiêu vụ ghi nhầm chỉ số công tơ?

(Dân trí) - Đại diện EVNNPC cho biết, qua phúc tra phát hiện hàng nghìn trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ. Hầu hết số này đều được sửa lại trước khi phát hành hoá đơn.

Hóa đơn điện nhảy múa: Đã có bao nhiêu vụ ghi nhầm chỉ số công tơ? - 1

Ông Đỗ Văn Năm – Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC thông tin về việc ghi chỉ số công tơ tại cuộc họp chiều nay (30/6).

Chiều 30/6, Đoàn kiểm tra, xác minh về hoá đơn tiền điện tăng cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cuộc làm việc tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC.

Ông Đỗ Văn Năm – Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC cho biết, hiện nay tại Tổng công ty có 3 hình thức ghi chỉ số công tơ.

Trong đó, ghi chỉ số tự động hoàn toàn tự động là 1,17 triệu công tơ; ghi chỉ số bán tự động là hơn 1,5 triệu; thủ công là hơn 7,7 triệu.

Thông tin về kết quả kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần, đại diện EVNNPC cho biết: Số khách hàng tháng 5 tăng so với tháng 4 từ 1,3 lần trở lên có hơn 1,47 triệu khách hàng, thực hiện kiểm tra hơn 1,34 triệu khách hàng, phát hiện có 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ, đã sửa sai, phát hành hoá đơn và thu tiền của khách hàng.

Còn tháng 6/2020 đã phát hành hơn 10,2 triệu hoá đơn trên địa bàn 27 tỉnh. Số khách hàng tháng 6 tăng so với tháng 5 từ 1,3 lần trở lên (tính đến hết ngày 24/6) là hơn 4,46 triệu khách hàng.

“Đã thực hiện kiểm tra đến hết ngày 20/6 là hơn 3,53 triệu khách hàng, phát hiện có 2.175 khách hàng ghi nhầm chỉ số công tơ hay công tơ cháy, kẹt… Hầu hết các trường hợp đã được phát hiện và sửa chỉ số trước khi phát hành hoá đơn”, ông Năm thông tin.

Theo vị này, khi thấy hoá đơn bất thường thì người dân sẽ phản ánh, trong đó chủ yếu là tăng. Chỉ có một số trường công tơ bị kẹt thì sẽ giảm. Nắng nóng gay gắt nên thời gian qua EVNNPC nhận nhiều kiến nghị về hoá đơn tiền điện.

“Qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, chúng tôi tiếp nhận, phối hợp giải quyết, xử lý tổng số yêu cầu là 187.240 trong tháng 6. Trong đó, liên quan đến kiến nghị về chỉ số công tơ là 13.881 và chiếm 7,41% tổng số yêu cầu. Trong đó có 266 trường hợp khách hàng là phản ánh đúng, điện lực đã tính toán truy thu/thoái hoàn theo quy định”, ông Năm thông tin.

Ông Năm khẳng định, quy trình đầy đủ, tuy nhiên đâu đó các công nhân, nhân viên vẫn còn sai sót trong quy trình, gây hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, gây bức xúc cho khách hàng.

Đại diện EVNNPC có đưa ra một số trường hợp, trong đó có trường hợp bà Đào Thị Gái ở Vân Đồn, Quảng Ninh và 1 trường hợp tại Điện lực Nghệ An đều sai chỉ số công tơ dẫn đến hoá đơn tiền điện tăng cao. Thậm chí trường hợp bà Gái tăng tới gần 90 triệu đồng.

Ngay sau khi đại diện EVNNPC đưa ra thông tin về con số sai chỉ số công tơ nêu trên, phía đại diện phía Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường đặt vấn đề vì sao lại xảy ra việc ghi nhầm chỉ số công tơ nêu trên.

Trả lời câu hỏi, ông Đỗ Văn Năm – Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC cho biết, trong hàng nghìn các vụ ghi nhầm chỉ số nói trên, thì việc phát hiện chủ yếu từ công tác phúc tra. Hầu hết đều được sửa lại trước khi phát hành hoá đơn.

"Ghi lần đầu vẫn xảy ra vấn đề khi con người làm thủ công. Đứng trên cột điện nhìn máy tính bảng nắng chói nên vẫn bị nhầm lẫn. Sau đó, công tác phúc tra lại sẽ phát hiện được bất thường", ông Năm cho biết.

Để xảy ra một số trường ghi nhầm chỉ số công tơ như báo chí nêu vừa qua, ông Năm thừa nhận vẫn có những khâu chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.

"Người công nhân làm việc ngoài nắng nóng ghi nhầm đã đành, còn người phúc tra nếu làm đúng quy trình thì đâu xảy ra sai sót đáng tiếc như vậy", ông Năm trăn trở.

Ông Năm khẳng định nếu tất cả đều tuân thủ quy trình thì khó xảy ra sai sót. "Bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra là rất lớn. Từng nào chưa thực hiện được tự động, thì tôi cho rằng vẫn còn xảy ra sai sót, tuy nhiên chúng tôi cố gắng giảm thiểu xảy ra sai sót thấp nhất có thể", ông Năm chia sẻ.

Đại diện EVNNPC chia sẻ thêm về cách thức thông báo sản lượng điện tiêu thụ sau khi ghi điện hiện nay. Cụ thể, đối với các công tơ ghi trực tiếp, nếu khách hàng tham gia giám sát sẽ thông báo chỉ sổ, sản lượng trực tiếp ngay sau khi ghi chỉ số. Tuy nhiên, hình thức phổ biến hiện nay là nhắn tin Zalo/SMS hoặc gửi email. Ngoài ra khách hàng có thể đăng nhập web CSKH của Tổng công ty để tra cứu thông tin sử dụng điện của mình.

Nguyễn Mạnh