Đắk Nông:
Hồ tiêu chết đột ngột, nông dân "gỡ gạc" bằng trái non
(Dân trí) - Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều hộ nông dân buộc phải thu gom toàn bộ số tiêu non để gỡ gạc chi phí sản xuất. Đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan sang các trụ tiêu khác, những hộ này phải nhổ bỏ, tiêu hủy số tiêu bị nhiễm bệnh.
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Tàu (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) đứng ngồi không yên bởi vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên vàng lá, rụng trái và chết khô hàng loạt. Theo ông Tàu, khi thấy tiêu chết rải rác, gia đình đã tìm cách chữa trị bằng nhiều loại thuốc nhưng cũng không đạt hiệu quả cao, tiêu vẫn chết với số lượng lớn.
Ông Tàu cho biết, cây tiêu bị bệnh chết rất nhanh, sáng sớm còn thấy xanh tươi nhưng trưa đã thấy cành, lá rũ xuống hết rồi và vài ngày sau là tàn. Mặc dù đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ dân và các chủ tiệm thuốc nhưng không cứu được vườn tiêu. Trước tình trạng trên ông đành phải nhổ bỏ trụ những cây đã chết để tái canh hoặc chuyển sang trồng cà phê cho ổn định.
Cách vườn tiêu của ông Tàu không xa, hơn 2.500 trụ tiêu 15 năm tuổi của ông Huỳnh Văn Tám cũng có nguy cơ bị xóa sổ bởi tính đến nay hơn 1.000 trụ tiêu trong vườn đã nhiễm bệnh, nhiều trụ đã chết khô.
Tương tự, mặc dù vụ thu hoạch chưa đến nhưng gần 2 tháng nay, bà Nguyễn Thanh Trúc (thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long) luôn có mặt tại vườn tiêu để lượm lặt số tiêu non từ những trụ tiêu nhiễm bệnh. Bà này cho hay, hiện vườn tiêu của gia đình đã chết gần hết, chỉ còn một ít cây chưa có biểu hiện nhiễm bệnh nhưng chắc rồi cũng sẽ bị chết. Khi mới phát hiện vườn tiêu có dấu hiệu vàng lá, một vài cây bị héo thì bà này đã đến các tiệm thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua các loại thuốc về cứu vườn nhưng không khả quan.
Phần lớn tiêu đều chưa tạo nhân, hạt còn nước nên không có nhiều giá trị kinh tế. Tuy nhiên, vì đầu tư nhiều công sức, tiền bạc vào sản xuất nên các hộ gia đình phải tận thu tiêu non để bán, nếu không thu nhanh thì chỉ chục ngày sau, vườn tiêu sẽ chết khô, quả thối đen, coi như mất trắng.
Bà Trúc buồn bã cho biết, tiêu chết đột ngột với số lượng lớn nhưng bà không dám thuê người hái vì giá nhân công hiện nay 200.000 đồng, trong khi tiêu non tươi bán với giá 18.000 đồng/kg; tiêu đã héo rụng không bán được thì phơi khô, nếu nhặt nhạnh cả ngày cũng chỉ bán được khoảng 300.000 đồng.
Ông Trần Thế Hải (thôn Đắk Kual, xã Đắk N’drung) cho biết, chưa năm nào người trồng tiêu trong thôn lo lắng như hiện nay. Nhiều gia đình thế chấp toàn bộ tài sản vay ngân hàng đầu tư vào vườn tiêu Sau nhiều năm chăm bón, vườn tiêu bước vào thu hoạch cũng là lúc những hộ này phải đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm.
“Tại vườn hồ tiêu của ông Sự, một hộ trồng tiêu trong thôn Đắk Kual trên diện tích 1,5 ha, tiêu đang độ sung sức, vườn cây tốt sum suê nhưng đã có nhiều trụ tiêu chết rụi, lá khô rụng quanh gốc chỉ còn trơ dây. Thấy tiêu bị nhiễm bệnh, gia đình ông này đã bỏ ra cả chục triệu đồng để chữa trị nhưng vẫn không xử lý được bệnh dịch”, ông Hải nói.
Trước tình trạng hồ tiêu chết ồ ạt, tại nhiều địa phương đã xuất hiện một điểm thu mua tiêu non. Một thương lái thu mua tiêu non tại xã Đắk Ha cho biết, mỗi ngày điểm này thu mua được khoảng 7-8 tạ tiêu, trong đó phần lớn là tiêu non nên chất lượng tiêu thấp. Do nguồn cung dồi dào nên giá giảm còn từ 17.000 - 20.000đ/kg.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Song cho biết: Hiện toàn huyện có 292 ha tiêu nhiễm bệnh chết nhanh và 190 ha nhiễm bệnh chết chậm, trong đó 80ha đã bị chết, chủ yếu ở các xã Nam Bình, Nâm N’Jang, Thuận Hạnh, Đăk N’drung.
Trước tình hình trên, UBND huyện Đắk Song đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương phổ biến quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Khuyến cáo người dân chọn giống tiêu tốt, không bị bệnh, canh tác trên vùng đất thoát nước tốt trong mùa mưa. Đối với đất vườn đã từng bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần xử lý kỹ với vôi bột và thuốc BVTV diệt trừ tuyến trùng trước khi trồng mới.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng NN&PTNN huyện Cư Jút, đến cuối tháng 11/2017, toàn huyện này có hớn 110 ha tiêu nhiễm bệnh và chết khô. Nguyên nhân được xác định là năm nay mưa nhiều dẫn đến bị ngập úng, trong khi đó tại những diện tích này, người dân ít trồng hoặc không trồng cây che bóng, thậm chí nhiều diện tích bà con trồng trên các chân đất chưa phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng phân, thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ cỏ mà ít sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học cũng là nguyên nhân khiến cây tiêu bị bệnh.
Dương Phong