1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hồ sơ Base, "bom tấn ngành công nghệ" vừa được FPT rót vốn

Vân Khánh

(Dân trí) - Thương vụ FPT thâu tóm Base được FPT đánh giá là "bom tấn ngành công nghệ" khi cả hai phía đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhau. Base là gì mà có thể khuấy đảo làng công nghệ đến như vậy?

Trong những ngày đầu tháng 5, khi Covid-19 quay trở lại, làng công nghệ bám sát thông tin đại dịch nhưng cũng không quên quan sát "điểm nóng" mang tên FPT-Base. Thương vụ FPT thâu tóm Base được FPT đánh giá là "bom tấn ngành công nghệ".

Hồ sơ Base, bom tấn ngành công nghệ vừa được FPT rót vốn - 1

Thương vụ FPT thâu tóm Base được FPT đánh giá là "bom tấn ngành công nghệ" (Ảnh: VTV).

Thị phần khối SMEs là 0,6%

Công ty cổ phần Base Enterprise thành lập năm 2016, có CEO và đại diện pháp luật là ông Phạm Kim Hùng. Thời gian đầu, công ty chỉ có 5 nhân sự, sau đó tăng dần lên 240 người.

Sản phẩm chính của Base là một nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện (platform) tích hợp các ứng dụng quản trị, xử lý công việc. Base mang tới giải pháp giúp xử lý 3 bài toán lớn cho doanh nghiệp bao gồm: quản lý nâng cao năng suất, minh bạch và thông suốt thông tin, quản trị và phát triển nhân lực.

Ngoài ra, Base còn có kế hoạch phát triển các bài toán lớn khác như quản trị tài chính, quản trị khách hàng và phát triển kinh doanh trên một nền tảng thống nhất.

Cho tới năm 2020, Base có 5.000 khách hàng, trong đó có các tổ chức lớn như VIB, ACB, ABBank, VinCommerce, McDonald's, 7-Eleven, Pizza 4P's, The Coffee House, Decathlon, Đất Xanh Group... Tuy nhiên, với 5.000 khách hàng, thị phần ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Base chỉ là 0,6%.

Base Enterprise thành lập năm 2016 với số vốn vỏn vẹn 21 triệu đồng. Tới năm 2017 và 2018, vốn chủ sở hữu công ty tăng lên 3,2 tỷ đồng và 4,9 tỷ đồng. 

Trong năm đầu tiên hoạt động, do chưa có doanh thu, Base Enterprise được biết lỗ 191 triệu đồng. Năm 2017, doanh thu chỉ đạt 677 triệu đồng, công ty lỗ 1,2 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tăng mạnh lên 9,4 tỷ đồng nên thua lỗ lại giảm xuống 522 triệu đồng.

CEO Base: Doanh thu công ty năm 2019 tăng 8 lần, nhân sự gấp 3

Không phải đến khi kết hợp với FPT, Base mới được chú ý. Trước đó, năm 2019, Base khiến làng công nghệ "rúng động" vì được 5 quỹ ngoại lựa chọn.

Giữa năm 2019, Base được 5 quỹ đầu tư. Trước đó, Base đã nhận được 1,7 triệu USD (khoảng 39 tỷ đồng) sau 2 lần gọi vốn đầu tiên. Khả năng lớn, số tiền này được rót cho Base vào năm 2019 vì trước đó, kết thúc năm 2018, tổng tài sản của Base chỉ đạt 6,9 tỷ đồng.

Còn tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Base vọt lên 44,7 tỷ đồng, thấp hơn tài sản cuối năm 2018 (6,9 tỷ đồng) cộng với số tiền được rót (39 tỷ đồng) một chút. 

CEO Phạm Kim Hùng chia sẻ về kết quả kinh doanh của Base trong một bài báo hồi đầu tháng 2/2020 như sau: "Trong năm 2019, Base tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần, nhân sự tăng 3 lần và hiện có khoảng 240 người. Với số lượng 3.000 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ theo mô hình SaaS (đăng ký theo kiểu thuê bao điện thoại), ngay cả khi không làm gì thêm mà chỉ tập trung vào khách hàng hiện có, Base vẫn có một nguồn doanh thu ổn định".

Khi "điên cuồng" gặp "điên cuồng"

Trước đó, tối 4/5, làng công nghệ đã chứng kiến một sự kiện M&A "bom tấn" khi FPT công bố hợp tác Base và sở hữu đa số cổ phần. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng rõ ràng việc FPT sử dụng cụm từ "bom tấn làng công nghệ" là đủ biết đây không thể là cuộc mua bán "thường thường bậc trung".

Giải thích cho việc đầu tư vào Base, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, cho biết: "Sau khi tìm hiểu và nói chuyện với Hùng, chúng tôi nhận ra là chúng tôi có rất nhiều tiếng nói chung. Hơn nữa, chúng tôi luôn tự nhận là FPT thường có những mục tiêu và giấc mơ viển vông "điên cuồng", song tôi thấy Base còn "điên cuồng" hơn cả FPT". 

Thương vụ này được đánh giá là "cả hai bên cùng có lợi". Trong khi FPT mới bắt đầu chập chững bước vào thị trường thì Base muốn tận dụng hệ thống khách hàng sẵn có của FPT. Cả FPT lẫn Base đều muốn chinh phục toàn bộ 800.000 doanh nghiệp SMEs ở Việt Nam. Mục tiêu cả hai cùng hướng tới là thống lĩnh thị trường chuyển đổi số Việt Nam, sau đó "đánh chiếm" thế giới.