1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hộ kinh doanh không muốn "lớn" thành doanh nghiệp vì... sợ thanh tra

(Dân trí) - “Hộ kinh doanh ngại chuyển đổi sang DN vì phải bổ sung nhân lực, hồ sơ, kế toán phát sinh nhiều chi phí. Thậm chí nhiều chủ hộ kinh doanh e ngại gây đảo lộn hoạt động, thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra”.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban thể chế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo thực trạng, khuyến nghị chính sách để “Chính thức hoá” hộ kinh doanh do CIEM tổ chức sáng nay (28/4).

Theo bà Luyến, qua khảo sát của CIEM, đa số hộ kinh doanh ngại không muốn lên DN dù có nhiều quyền lợi vì những vấn đề liên quan đến chi phí, sức ép về thuế.


Nỗi lo về thuế, các văn bản hành chính vẫn là nỗi sợ của các hộ kinh doanh khi được yêu cầu lên doanh nghiệp

Nỗi lo về thuế, các văn bản hành chính vẫn là nỗi sợ của các hộ kinh doanh khi được yêu cầu lên doanh nghiệp

Bà này cho hay, dù đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nhưng hộ kinh doanh có năng suất lao động hạn chế, mô hình kinh doanh hẹp, chỉ nằm trong một số nhóm ngành. Khảo sát về hộ kinh doanh cho thấy đa số sử dụng vốn tự có, bởi không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.

Khuyến khích hộ lên DN không nên nóng vội bởi nếu làm vậy sẽ khiến dư luận nghĩ cơ quan Nhà nước chỉ đưa ra vấn đề này nhằm quản lý tốt hoặc đưa hộ lên DN để dễ thu thuế, đưa họ vào các khuôn khổ phí, lệ phí.

Bà Luyến nêu: Vì sao hộ kinh doanh chưa mặn mà với chuyển đổi vì cảm nhận của DN là hành lang pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện cho họ lớn lên. Về quyền kinh doanh, hộ kinh doanh có nhiều bất lợi hơn so với loại hình như chỉ có 1 nơi đăng ký, không được mở văn phòng địa diện, hạn chế quy mô lao động. Tuy nhiên, có lợi hơn khi không phải chịu các quản lý hành chính khi chuyển đổi danh mục đầu tư, kinh doanh... Đặc biệt về cơ chế thuế và phí ít ràng buộc hơn.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM: Quan trọng nhất là các biện pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh. Còn việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN chỉ là một mục tiêu nhỏ trong tổng thể đó.

Phó Viện trưởng nhấn mạnh: Nước ta hiện có khoảng 500.000 DN, để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, số DN cần thành lập mới rất lớn. Nếu không cải cách môi trường kinh doanh để kích thích thương nhân mở DN mà dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu các hộ kinh doanh chuyển lên DN rất dễ "khoác áo" DN lên hộ kinh doanh, trong khi không đúng bản chất, chức năng, chỉ đạt số lượng mà không có chất lượng.

Vị này cho rằng: Nếu thực hiện theo mệnh lệnh hành chính, dư luận rất dễ hiểu nhầm về định hướng của Chính phủ và khiến mục đích hỗ trợ hộ kinh doanh bị hiểu nhầm, hoặc không đến được với đối tượng phục vụ.

Đại diện CIEM cũng dẫn dụ: Tiền lệ chuyển từ hộ kinh doanh lên DN rất ít, chỉ chiếm 18% trong tổng số DN được khảo sát. Hơn nữa, đa số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN vì họ cảm giác là hoạt động hiện tại đang ổn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có mặt trong Hội thảo, việc chuyển hộ kinh doanh lên DN là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần tạo cơ chế, tâm lý cho hộ kinh doanh hiểu rõ được những ưu đãi cho DN cụ thể hơn, lớn hơn là cho hộ; cơ chế vốn, kỹ năng quản trị cũng tốt hơn, từ đó sẽ có lợi hơn về lâu dài.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hoá, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, tính liên kết cao thì những hộ kinh doanh rất yếu thế trước sức ép mọi mặt của các tập đoàn, các chuỗi liên kết giá trị lớn. Bên cạnh đó, nếu nhỏ bé mãi, những sản phẩm làm ra sẽ không có chất lượng, không có thương hiệu, bản đồ xuất xứ hàng hóa của Việt Nam vẫn mãi chỉ là sản phẩm thô sơ, rất khó đi vào các thị trường lớn. Đây là điều kiện khách quan, đòi hỏi của xu hướng kinh tế trong thời đại mới.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm