Hiệu ứng ngược khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm

Nhật Linh

(Dân trí) - Việc Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm đã tạo ra hiệu ứng ngược, khiến giá giảm và nguồn cung dư thừa.

Hiệu ứng ngược khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm - 1

Trung Quốc hiện đang sản xuất khoảng 70% đất hiếm trên toàn cầu (Ảnh: Getty).

Theo Forbes, về bản chất lời đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đang bắt đầu có những phản ứng ngược, cụ thể là nguồn cung dư thừa và giá giảm.

Dấu hiệu rõ ràng nhất trong sân chơi mới này là từ Úc - nơi sản xuất đất hiếm lớn thứ 2 thế giới và từ Trung Quốc - nơi đang sản xuất quá công suất để tận dụng mức giá cao.

Trong một cuộc họp báo vào tuần trước, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh cho biết đất hiếm hiện đang được bán quá rẻ bởi "sự cạnh tranh từ khốc liệt từ trong nước".

Theo Reuters, ông Tiêu cho rằng, giá đất hiếm đang không được bán với mức giá hiếm mà ở mức giá đất.

Trung Quốc hiện đang sản xuất khoảng 70% đất hiếm trên toàn cầu và thường sử dụng đất hiếm làm đòn bẩy về chính trị và kinh tế.

Do đó, theo Bloomberg, việc Bắc Kinh ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm đã qua xử lý sang các nước hoặc các doanh nghiệp được coi như là một lời đe dọa.

Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất máy bay phản lực, xe điện, bộ nhớ vi tính, DVD, pin sạc, điện thoại, nam châm… và nhiều mục đích khác.

Về bản chất, đất hiếm là hỗn hợp chứa 17 nguyên tố và rất khó phân tách. Trong đó, thị trường có nhu cầu cao đối với hai nguyên tố praseodymium, neodymium và ít nhu cầu đối với các nguyên tố còn lại.

Ông Amanda Lacaze - Giám đốc điều hành của Lynas Corporation, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Úc - cảnh báo, việc "xây dựng quá mức" các mỏ và cơ sở chế biến do lo ngại Trung Quốc cấm xuất khẩu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, việc phân bổ nguồn vốn không hiệu quả, cụ thể là xây dựng vượt quá công suất, sẽ gây tổn thất cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, không có cách nào để ngừng đầu tư vào các nhà sản xuất đất hiếm mới nổi ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Theo Forbes, công ty khởi nghiệp đất hiếm Hastings Technology Metals vừa huy động thành công 78 triệu USD cho dự án Yangibana ở Tây Úc.

Chuyên gia khai thác khoáng sản titan Iluka Resources cũng đang đàm phán để khai thác đất hiếm từ một nhà máy lọc dầu ở Tây Úc.

Tương tự, Mỹ, Canada, thậm chí là Greenland cũng đều có các động thái thúc đẩy nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tháng trước đã cấp cho Lynas của Úc 30 triệu USD để thiết lập một cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas. Trước đó, năm ngoái, Lầu Năm Góc cũng đã cấp vốn cho một liên doanh giữa Lynas và Blue Line - một công ty có trụ sở tại Texas - để phân tách đất hiếm nặng ở Mỹ.

Tờ CBS đưa tin, một cơ sở sản xuất đất hiếm mới trị giá 24,5 triệu USD cũng đang được xây dựng ở Saskatoon, Saskatchewan (Canada). Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Vũ khí đất hiếm vốn là con dao hai lưỡi. Nó có thể là mối lo ngại của một số quốc gia nhưng nó cũng khiến giá sẽ tăng lên khi nguồn cung bị thắt chặt. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, chiêu bài này có vẻ như đang làm hại đến chính các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc.