Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh
(Dân trí) - Theo các nhà phân tích, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ làm giảm 5% nhu cầu đất hiếm của toàn cầu trong năm nay, đặc biệt, lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh.
David Merriman, một nhà quản lý chuyên về pin và vật liệu xe điện tại công ty tư vấn Roskill Information Services, cho biết: "Chúng tôi dự kiến nhu cầu đất hiếm sẽ còn trên đà sụt giảm đến hết năm 2020, đặc biệt là nhu cầu sử dụng trong gốm sứ, thủy tinh và chất xúc tác. Ngay cả nhu cầu từ các ứng dụng nam châm dự kiến sẽ giảm 4,5% trong năm nay".
Mức tiêu thụ nam châm neodymium trên toàn cầu có thể giảm 9,3% trong năm nay sau khi tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,4%, Adamas Intelligence dự báo.
Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi nguồn cung dự kiến thiếu từ năm 2022 trở đi, Adamas dự báo tình trạng thiếu đất hiếm toàn cầu được sử dụng trong nam châm sẽ lên tới 48.000 tấn mỗi năm vào năm 2030, đủ để sản xuất 25 triệu động cơ xe điện.
Công ty nghiên cứu kim loại chiến lược cho rằng, sự sụt giảm của năm nay là do tác động của đại dịch khiến cho nhu cầu đối với các sản phẩm như ô tô điện, điện thoại thông minh và máy phát điện gió sụt giảm mạnh.
Nam châm neodymium là loại nam châm vĩnh cửu được sử dụng rộng rãi nhất và mạnh nhất. Bên cạnh sắt, chúng chứa các nguyên tố đất hiếm neodymium, praseodymium, dysprosium và terbi.
Hoạt động kinh tế trì trệ ở Mỹ do đợt bùng phát virus corona nghiêm trọng đã khiến xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang quốc gia này giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 vừa qua.
Giám đốc điều hành Ryan Castilloux của Adamas dự đoán rằng, mức sụt giảm trong cả năm có thể lên tới 25 đến 35%.
Có 17 nguyên tố đất hiếm, với các ứng dụng đa dạng từ các sản phẩm điện tử đến thiết bị quân sự. Trong khi sản lượng khai thác từ các mỏ của Trung Quốc chiếm 63% tổng sản lượng toàn cầu vào năm ngoái, thì nước này cung cấp 80-90% sản phẩm chế biến.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại về an ninh nguồn cung đối với các khách hàng Mỹ và Nhật Bản đang sản xuất và mua các sản phẩm công nghệ có giá trị cao trong bối cảnh quan hệ chính trị căng thẳng trong những năm gần đây với Bắc Kinh - nơi đang kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc.
Mỹ từ lâu nỗ lực xây dựng các mối liên kết với cả Australia và Canada về hàng loạt khoáng sản quan trọng và rõ ràng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Mỹ cũng cần sự hỗ trợ của Nhật Bản - quốc gia cũng tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Merriman cho biết, thách thức lớn nhất mà các nhà phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ phải đối mặt là tài chính, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức chế biến, phân tách và nấu chảy.
Merriman cũng cho biết thêm rằng biên lợi nhuận có thể bị thắt chặt, đặc biệt nếu các nhà sản xuất Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn giảm giá.
“Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, thì đây sẽ là thách thức đối với các công ty trong việc xây dựng chuỗi giá trị cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vì chi phí vốn trả trước cao dẫn đến thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài từ 5 đến 10 năm, điều này gây khó khăn. cho các nhà tài trợ dự án phương Tây,” ông Merriman chia sẻ.