Hiểu thế nào về khoản 17.500 tỷ đồng ngân sách đã hết?

Bích Diệp

(Dân trí) - Đây là nguồn ngân sách dự phòng Trung ương, hiện đã được sử dụng hết do chi cho công tác chống dịch. Còn ngân sách Nhà nước được Bộ trưởng Phớc khẳng định "không bao giờ cạn kiệt".

Ngân sách dự phòng Trung ương và ngân sách Trung ương khác gì nhau?

Tình hình ngân sách Trung ương là một trong những nội dung được công chúng, độc giả quan tâm trong tuần qua, đặc biệt là sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Sự nhầm lẫn trong quá trình thông tin về "ngân sách Trung ương" và "ngân sách dự phòng Trung ương" đã dẫn đến việc dư luận hiểu sai tình hình ngân sách Nhà nước. Sau đó, Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã phải trực tiếp làm rõ vấn đề.

Cụ thể, trong phát biểu của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại phiên họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông cho biết, do nguồn ngân sách dự phòng Trung ương đã hết nên chưa có nguồn để hỗ trợ, chi cho các tỉnh chống dịch cùng với hàng chục nghìn cán bộ y tế, công an, quân đội.

Vậy "ngân sách dự phòng Trung ương" và "ngân sách Trung ương" khác nhau như thế nào?

Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và con số tuyệt đối cũng chênh lệch rất lớn. Khoản ngân sách đã hết được nhắc tới là khoản ngân sách dự phòng Trung ương với 17.500 tỷ đồng chứ không phải là ngân sách Trung ương.

Hiểu thế nào về khoản 17.500 tỷ đồng ngân sách đã hết? - 1

Chi tiết về dự phòng ngân sách đã được duyệt cho năm 2021 (Nguồn: Bộ Tài chính).

Theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội thông qua, tổng thu ngân sách trong năm 2021 phấn đấu đạt 1.343.330 tỷ đồng, tương ứng 15,5% GDP và tổng chi dự kiến 1.687.000 tỷ đồng (trong đó chi thường xuyên chiếm 61,5%).

Tổng dự phòng ngân sách Nhà nước trong năm 2021 là 34.500 tỷ đồng, trong đó, ngân sách dự phòng Trung ương là 17.500 tỷ đồng và ngân sách dự phòng địa phương là 17.000 tỷ đồng. Số dự phòng này là một khoản mục nằm trong chỉ tiêu tổng chi cho cả năm.

Hàng năm, khi lập dự toán chi ngân sách, ngân sách được phân bổ thành nhiều khoản cụ thể cho các nhiệm vụ chi khác nhau (chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi thường xuyên, chi cải cách tiền lương, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính). Khoản dự phòng là phần dành cho những mục đích chưa có trong dự toán, thông thường là cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…

Hiểu thế nào về khoản 17.500 tỷ đồng ngân sách đã hết? - 2

Dự toán về tổng chi ngân sách năm 2021 (Nguồn: Bộ Tài chính).

Ở đây, con số 17.500 tỷ đồng được xác nhận đã hết do sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Không có chuyện ngân sách Nhà nước cạn kiệt

Phát biểu trên Cổng thông tin của Chính phủ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã khẳng định rằng ngân sách Nhà nước "không bao giờ cạn kiệt" và "bảo đảm đầy đủ cho các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao".

Thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343.000 tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán. Lãnh đạo ngành tài chính cho biết, con số thu phấn đấu sẽ đạt 100% chỉ tiêu đã được giao, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh vĩ mô bất lợi, thu ngân sách vẫn ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch thu cả năm nay, và tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 820.000 tỷ đồng (tăng 12% so cùng kỳ).

Hiểu thế nào về khoản 17.500 tỷ đồng ngân sách đã hết? - 3

Nhiệm vụ thu ngân sách được giao cho năm 2021 (Nguồn: Bộ Tài chính).

Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 187.300 tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt xấp xỉ 72.000 tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 652.700 tỷ đồng, bằng 63% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm được khẳng định đã thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đề nghị chuyển 14.620 tỷ đồng tiết kiệm được để chi cho chống dịch

Theo Bộ trưởng Phớc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Đến nay, số tiết kiệm được từ nguồn chi thường xuyên khoảng 14.620 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình UBTVQH cho phép chuyển khoản tiết kiệm này để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Ngày 9/9 vừa qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành nghị quyết về phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021. Theo đó, Chính phủ đồng ý bổ sung 14.620 tỷ đồng từ số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Các thành viên Chính phủ quyết nghị thông qua phương án sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm của ngân sách trung ương để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, tập trung cho phòng chống dịch Covid-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và tính chính xác của số liệu báo cáo. Bộ trưởng Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo UBTVQH cho phép sử dụng bổ sung 14.620 tỷ đồng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 vào nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, đến nay, ngân sách đã chi 21.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2022, dự kiến Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền bố trí một khoản ngân sách riêng cho công tác phòng chống dịch.

Về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay, tổng giá trị của các khoản hỗ trợ về thuế (giãn, hoãn, giảm, miễn phạt nộp chậm..) là khoảng 203.500 tỷ đồng. Phối hợp với các ngành khác (bao gồm cả cước viễn thông, tiền điện, lãi suất…), tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 là khoảng 250.000 tỷ đồng.