Quảng Nam:

Hiệu quả từ con nuôi dúi rừng và sâu đất ở thành phố

(Dân trí) - Ông Phạm Văn Thành (khối phố 7, phường An Xuân, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam) đang thành công với mô hình nuôi dúi rừng và sâu đất, mang lại thu nhập cao.

Ông Thành chia sẻ, trước khi nuôi dúi, ông từng nuôi thử nghiệm nhiều loài như thằn lằn, bò cạp, thỏ và dế nhưng đầu ra không ổn định. Một lần tình cờ xem chương trình nhà nông làm giàu thấy mô hình nuôi dúi của nhiều người dân ở phía Bắc và Tây Nguyên đạt hiệu quả nên ông quyết tâm học tập.

Sâu được thị trường ưa chuộng, cung không đủ cầu
Sâu được thị trường ưa chuộng, cung không đủ cầu

Sau đó, ông mua 2 cặp dúi rừng với giá 1,6 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy con vật này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình nên ông xây dựng chuồng trại để nuôi.

Với 2 cặp dúi bố mẹ giống ban đầu, đến nay đàn dúi của ông Thành tăng lên được 30 con dúi nuôi. Ông đầu tư xây dựng từng ô nhỏ để dúi sinh sống, trong đó có 5 con dúi mẹ đang trong thời kỳ sinh sản.

Theo ông Thành, dúi là động vật hoang dã nên lúc mới nuôi gặp khá nhiều khó khăn vì dúi rất hung dữ. Vì vậy, cần giảm sự tiếp xúc ban đầu để tạo cảm giác an toàn cho dúi, thậm chí nếu gặp hơi người lạ dúi có thể chết.

Bản tính của dúi là ăn ban đêm ngủ ban ngày, vì vậy cần hạn chế không cho ánh sáng mặt trời tiếp xúc nhiều. Tuy nhiên, ban ngày thỉnh thoảng cũng phải cho chúng ăn để có sự tỉnh táo, nếu để dúi ngủ li bì cả ngày thì con vật sẽ mất cân bằng.

Mỗi loại có đặc điểm ưa thích nhiệt độ khác nhau, nên cần nắm bắt để có nhiệt độ sống thích hợp
Mỗi loại có đặc điểm ưa thích nhiệt độ khác nhau, nên cần nắm bắt để có nhiệt độ sống thích hợp

“Để nuôi dúi ở thành phố là cả một thử thách, vì dúi là động vật hoang dã nên khi nuôi nó trong môi trường khép kín khá khó khăn. Điều đó đòi hỏi người nuôi phải có sự kiên trì, nhẫn nại, học hỏi không ngừng để có được thành quả mong đợi”- ông Thành cho biết.

Chi phí đầu tư thấp, được thị trường ưa chuộng, từ lúc sinh ra cho đến khi bán thương phẩm khoảng 6 tháng với trọng lượng từ 1-1,2kg. Theo ông Thành, nếu chăm sóc tốt dúi có thể đạt trọng lượng từ 1,5-2kg. Dúi càng già, thịt càng thơm ngon.

Dúi thịt giá hiện nay dao động từ 300-350 ngàn/kg; dúi giống có giá khoảng 800 ngàn/cặp; dúi 2 tháng tuổi có giá dao động khoảng 600 ngàn/cặp.

Dúi nuôi tại phố của ông Thành
Dúi nuôi tại phố của ông Thành

Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-3 con, có lứa 4-5 con. Sau 45 ngày, khi dúi con ăn mạnh có thể tách ra khỏi dúi mẹ, rồi tiếp tục cho dúi mẹ nhân giống.Thức ăn chính của dúi chủ yếu là thân mía, hạt bắp, cỏ… vốn có sẵn ngoài tự nhiên hoặc trồng được nên giúp người nuôi tiết kiệm nhiều chi phí.

“Với đầu ra ổn định và giá thành đảm bảo như năm nay, nếu bán số dúi hiện tại trong chuồng thì sẽ thu được khoảng 200 triệu đồng sau một năm nuôi. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục cho tăng số lượng đàn dúi lên 100 con để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình”- ông Thành chia sẻ.

Bên cạnh nuôi dúi, ông Thành còn đang thành công với mô hình nuôi sâu đất làm thức ăn cho chim cảnh. Hiện trại của ông đang nuôi 3 dòng sâu nhỏ, vừa và lớn với hơn 150 khay chứa (kích cỡ 1m và 0,5 m).

Thức ăn chủ yếu là các loại phế phẩm trong nông nghiệp như vỏ dứa (thơm), củ đậu nhỏ, bí ngô loại… nên tiết kiệm khá nhiều chi phí cho người nuôi. Tuy nhiên, điều khó khăn duy nhất chính là duy trì nhiệt độ thích hợp cho từng loại sâu, vì vậy yêu cầu người nuôi cần quan sát tỉ mỉ và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.

Hiện nay giá thị trường cho các loại sâu: sâu nhỏ khoảng 75 ngàn/kg, sâu trung có giá khoảng 150 ngàn/kg, sâu lớn có giá khoảng 170 ngàn/kg. “Hiện nay, tôi xuất bán chủ yếu thị trường Tam Kỳ và Đà Nẵng. Thị trường rất ưa chuộng, cung không đủ cầu, nhiều lúc Bình Định không đủ nguồn cung cấp phải ra đây lấy hàng”- ông Thành chia sẻ thêm.

N.Linh