1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hiệu quả các khu kinh tế ven biển còn khiêm tốn

(Dân trí) - Chủ trương xây dựng các Khu kinh tế của Chính phủ với mong muốn là đòn bẩy của nền kinh tế nhưng trong gần 10 năm được xây dựng, các Khu kinh tế này chưa đem lại nhiều đột phá so với mong đợi của địa phương cũng như các cấp ngành Trung ương.

Ngày 27/8, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển các Khu kinh tế (KKT) ven biển Việt Nam”. Lãnh đạo 18 tỉnh, thành phố ven biển có KKT đã và sẽ được phê duyệt cùng lãnh đạo Bộ KH&ĐT tham dự.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ KH&ĐT cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 thành lập và ban hành Quy chế hoạt động KKT ven biển đầu tiên là KKT mở Chu Lai, đến nay các KKT ven biển Việt Nam đã trải qua gần 10 năm xây dựng và phát triển.

Ông Thắng cho rằng, quá trình xây dựng và phát triển KKT thời gian qua thực chất vẫn mang tính “thí điểm”, vừa nghiên cứu thực tiễn học hỏi kinh nghiệm thực tế để áp dụng vừa đánh giá thực tiễn để có điều chỉnh và hoàn thiện dần về định hướng chơ chế, chính sách phát triển.
Hiệu quả các khu kinh tế ven biển còn khiêm tốn - 1
Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo báo cáo, đến thời điểm này đã có 15 KKT được thành lập gồm 2 KKT ở đồng bằng Sông Hồng, 10 KKT ở vùng duyên hải miền Trung và 3 KKT ở miền Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý bổ sung thêm 3 KKT vào quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 là KKT Đông Nam tỉnh Quảng Trị, KKT ven biển tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ tỉnh Nam Định. Tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 18 KKT trên 730 ngàn ha (chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước)

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các KKT trên cả nước gần 170 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 40 ngàn tỷ còn vốn nước ngoài khoảng 130 ngàn tỷ đồng.

Các KKT cả nước hiện thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD và khoảng 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537 ngàn tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn, quan trọng tại KKT Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất như Nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, nhà máy xi măng Nghi Sơn...

Hiện tại, trong các quy chế hoạt động của KKT đều có những quy định về các lĩnh vực hoạt động như cơ chế tài chính, tín dụng, ưu đãi, xuất nhập cảnh, đất đai, ngân sách, chức năng nhiệm vụ.

Theo ông Vũ Đại Thắng, qua gần 10 năm phát triển KKT theo chủ trưởng của Chính phủ, các KKT có vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước theo hướng CNH-HĐH. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đã có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hầu hết các KKT đều không phát triển được như kỳ vọng ban đầu.

Nguyên nhân, do kết cấu hạ tầng các KKT chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Hơn nữa, thu hút vào các KKT còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn chậm, chưa thu hút được nhiều dự án lớn và quan trọng.

Thực tế hiện nay, theo các nhà quản lý, ngoại trừ KKT Dung Quất đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội địa phương nhưng phần lớn các KKT khác có mức độ phát triển và đóng góp vào kinh tế địa phương và phát triển vùng còn khiêm tốn và chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng của các KKT.

Đồng thời các KKT chưa tạo được sự liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động, quy hoạch nguồn nhân lực chưa được chú trọng, quá trình triển khai còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp, bất hợp lý, thậm chí vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện…
Hiệu quả các khu kinh tế ven biển còn khiêm tốn - 2
Rất ít “điểm sáng” trong các KKT đã được thành lập. Chỉ có KKT Dung Quất với “điểm sáng” là nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 
Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận một thực tế được nhiều công trình nghiên cứu gần đây xác nhận là sự phát triển ồ ạt các KKT ven biển chưa đạt hiệu quả chức năng, gây lãng phí lớn các nguồn lực và cản trở mạnh mẽ xu hướng hiện đại hóa nền kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, một số lượng lớn KKT biển được triển khai xây dựng gần như “đồng khởi”. Cách làm đó tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương được quy hoạch xây dựng KKT.

Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Thái cho rằng một thực tế hiên nay là dưới áp lực của các địa phương, từ trước đến nay đã có ít nhất 5 KKT tiếp tục trình để duyệt thêm.

“Như vậy, nhu cầu đầu tư triển khai các KKT đã có, các địa phương đang triển khai cũng quá lớn mà đầu tư các KKT tập trung cũng vượt sức nền kinh tế của địa phương lẫn Trung ương. Trong khi đó, các KKT đã có, kể cả KKT mở Chu Lai, Dung Quất gắn với Đà Nẵng lại chưa được đầu tư cả thể chế, tiền bạc đúng mức nên chưa phát huy được tác dụng”, GS.TS Nguyễn Quang Thái phát biểu.

Một vấn đề nóng bỏng khác cũng được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đề cập là xuất hiện chồng chéo trong việc quản lý KKT giữa địa phương và Ban quản lý KKT, đặc biệt là lĩnh vực thanh kiểm tra môi trường, lao động và đất đai…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết những ý kiến trao đổi tại hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng và sẽ đưa vào báo cáo tổng kết 10 năm hình thành và phát triển KKT Việt Nam để trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng hình thành các KKT là sự phát triển cần thiết trong thời kỳ CNH-HĐH. Tuy nhiên việc phát triển thêm hoặc mở rộng các KKT sẽ được cân nhắc thận trọng để bố trí nguồn lực, tiềm năng phát triển và lợi ích quốc gia.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, từ Trung ương tới địa phương cần thống nhất quan điểm không nên phát triển thêm KKT mà cần tập trung cơ chế chính sách, nguồn lực để nâng hiệu quả các KKT đã thành lập, một số KKT có tiềm năng, lợi thế tạo động lực lan tỏa ra cả vùng.

 Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm