1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hiểu đúng về tiền, tránh bẫy tín dụng đen

Hoàng Dung

(Dân trí) - PGS.TS Trúc Lê cho rằng, khi được tăng cường hiểu biết về tài chính, giới trẻ sẽ hình thành những thói quen tốt như chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tiền để đầu tư và tránh bẫy tín dụng đen.

Sáng nay (1/10), tại lễ phát động cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo dục tài chính là tiền đề hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, đồng thời giúp thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia.

Hiểu đúng về tiền, tránh bẫy tín dụng đen - 1

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo ông, việc giáo dục tài chính sớm cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi được tăng cường hiểu biết về tài chính, sinh viên sẽ hình thành những thói quen tốt về tài chính như thanh toán không dùng tiền mặt, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để đầu tư, tránh tín dụng đen.

"Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, các cá nhân, hộ gia đình tương lai sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế" - PGS.TS Trúc Lê nhận định.

Nhưng để thực hiện tốt được điều này, ông Lê cho rằng, các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn.

Hiểu đúng về tiền, tránh bẫy tín dụng đen - 2

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ Trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước

Chung quan điểm, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ Trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước cho rằng, giáo dục tài chính sớm sẽ giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi và hình thành thói quen tài chính tốt trong cộng đồng. 

Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các đề án của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Đặc biệt, bà Sen còn nhấn mạnh: “Việc giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho mỗi quốc gia góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”.

Đồng thời, việc hiểu đúng, hiểu sâu về tiền sẽ giúp những chủ nhân tương lai của đất nước nhận biết đúng đắn về giá trị của đồng tiền, quý trọng giá trị sức lao động và tự tin đưa ra các quyết định tài chính hợp lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm