1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hiệp hội thuốc lá, bia rượu lại "than" vì bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt

(Dân trí) - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế vừa được Bộ Tài chính soạn thảo đang gây nhiều tranh cãi vì điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể tác động lớn đối với các doanh nghiệp.

Điều chỉnh để khắc phục chuyển giá?

Tại Hội thảo Lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế vừa được Bộ Tài chính và VCCI tổ chức, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết Dự án luật sửa đổi dự kiến sửa 27 nội dung liên quan đến 6 luật thuế hiện hành và luật quản lý thuế.

Trong đó, quy định gây nhiều tranh luận về cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại điểm 1, Điều 2 của Dự thảo nêu: “Trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác cũng trong công ty mẹ thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con bán ra thị trường (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi)”. Quan hệ công ty mẹ, công  ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành”.


Rượu bia, thuốc lá là 3 mặt hàng mà Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với UBTV Quốc Hội và Quốc hội thông qua sắp tới

Rượu bia, thuốc lá là 3 mặt hàng mà Chính phủ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với UBTV Quốc Hội và Quốc hội thông qua sắp tới

Theo Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh này nhằm khắc phục việc chuyển giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát Việt Nam cho biết nếu dự thảo được ban hành sẽ khiến mức thuế TTĐB đối với bia, rượu nhập khẩu cao. Tuy nhiên việc này không đảm bảo được tính ổn định trong việc tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội Bia- rượu- nước giải khát, sau một thời gian tăng trưởng tốt nhờ mức thuế TTĐB hợp lý thì năm 2013, thuế TTĐB đối với bia tăng từ 45% lên 50% đối với rượu tăng từ 50% lên 55%, tuy được kỳ vọng làm tăng thuế TTĐB nhưng lại có tác dụng ngược lại khi mà mức tổng nộp ngân sách ngành Bia- rượu- nước giải khát Việt Nam (với đóng góp chủ yếu từ ngành bia, rượu) giảm.

Có nên sửa đổi bổ sung?

Trong quá trình góp ý về dự thảo này, đại diện của Hội luật gia Việt Nam cũng cho rằng, nên sửa đổi bổ sung của Khoản 1 Điều 2 theo hướng: “Đối với hàng hoá sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hoá nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu”. Điều này được lý giải là phù hợp với dự thảo tờ trình chính phủ có nêu một số áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt của một số nước trong khu vực.

Trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá sỉ công bố của công ty mẹ. Vì hàng hoá do các công ty con bán ra thị trường đã áp dụng thuế giá trị gia tăng.

Theo nhiều chuyên gia luật, nếu nội dung này được thông qua sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thương mại trong hệ thống mẹ-con và doanh nghiệp thương mại độc lập và làm phát sinh số thuế phải nộp của doanh nghiệp sản xuất có cơ sở kinh doanh thương mại và trong cùng mặt hàng. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và bất hợp lý trong chính sách thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng mặt hàng.

Trong khi đó, việc áp giá tính thuế vào công ty thương mại có khả năng làm rối loạn việc triển khai kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và phá vỡ hệ thống phân phối hiện có, không khuyến khích sự chuyên môn hóa. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập, doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống thương mại chuyên môn hóa để đem lại hiệu quả cạnh tranh trên thị trường và suy cho cùng là để đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Việc quy định “giá tính thuế là giá do các công ty bán ra thị trường” cũng không giải quyết được vấn đề chống chuyển giá vì trên thực tế, giữa giá bán của cơ sở sản xuất và giá bán của cơ sở thương mại đã được khống chế (hiện tại là 10%). Đồng thời, công ty thương mại đều là công ty 100% vốn của công ty mẹ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được ban hành sẽ khiến cho mức thuế các mặt hàng bia, rượu cao lên vì phải nộp thuế tại 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước. Với cách tính thuế này sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 15%, như vậy thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp là 60- 65% chứ không phải 55% theo luật số 70. Khi đó, mức thuế cao có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả... gây khó khăn trong khâu kiểm soát.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì việc sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế cần phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo tính nhất quán của chính sách và thống nhất của pháp luật. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định cho doanh nghiệp, các giải pháp đưa ra trong các dự thảo cũng cần dựa trên nguyên tắc thận trọng giữa việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và việc tăng cường công tác quản lý, từ đó tránh được thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Cát Anh 

Hiệp hội thuốc lá, bia rượu lại "than" vì bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm