Hiệp hội gas VN đề nghị Công an Quảng Ninh điều tra vụ "gas bẩn" Điện Quang
(Dân trí) - Hiệp hội gas Việt Nam vừa có công văn gửi Công an tỉnh Quảng Ninh sau hàng loạt "trò bẩn" của Công ty Điện Quang với các hãng gas nhằm trục lợi bất hợp pháp. Hiệp hội này cũng kiên quyết đề nghị Công an Quảng Ninh điều tra, xử nghiêm vụ việc.
Hiệp hội gas Việt Nam khẳng định: Các thủ đoạn và hành vi vi phạm của Công ty Điện quang đã diễn ra nhiều năm. Các Công ty gas chân chính, Hiệp hội gas Việt Nam đã thường xuyên phản ánh, kiện nghị bằng văn bản tới các cấp tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan trung ương.
Năm 2011, Hiệp hội gas Việt Nam đã cùng Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế chức vụ (C46) Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý công ty này và đề nghị đưa công ty này vào diện "trọng điểm" để kiểm tra xử lý.
Và đến sáng 23/10, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan bất ngờ kiểm tra Công ty Điện Quang tại KCN Cái Lân bắt quả tang hành vi sang chiết gas trái phép của công ty này.
Trên cơ sở những hành vi bày "trò bẩn" của Công ty Điện Quang, Hiệp hội gas Việt Nam nhận định là vô cùng nghiêm trọng, vi phạm các quy định tại Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và hàng loạt các quy định khác về sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Chính vì vậy, hiệp hội gas Việt Nam kiên quyết đề nghị Công an tỉnh Quảng Ninh, các cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh điều tra, nghiêm khắc xử lý những vi phạm của công tỳ bày "trò bẩn" trục lợi này theo quy định pháp luật.
Trước đó, như Dân trí phản ánh, Công ty Điện Quang bị phát hiện dùng thủ đoạn cắt tai mài vỏ để chiếm đoạt hàng loạt vỏ bình gas của nhiều hãng gas.
Công ty này dùng các chiêu để thu gom được vỏ bình của các hãng gas khác, sau đó tiến hành "phù phép" thành vỏ bình gas của công ty mình bằng cách: tháo quai xách bình cũ để thay mới xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình để sơn lại thành tên công ty mình. Tuy nhiên, phía trong bình gas vẫn còn in chìm tên chính hãng gas.
Thủ đoạn của công ty Điện Quang ngoài việc khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu tổn thất kinh tế nặng nề thì việc nguy hiểm hơn là chính sự an toàn của người sử dụng. Bởi các bình gas bị "phù phép" vốn bị doanh nghiệp làm ăn phi pháp đập bỏ quai bình hàn lại, mài bỏ tên hãng gas in nổi trên vỏ bình sẽ vô cùng mất an toàn bởi kết cấu đã thay đổi. Nguy hiểm nhất là vỏ gas sau khi bị mài sẽ mỏng hơn nhiều gây nguy cơ rò rỉ, cháy nổ.
5 triệu "quả bom gas" trôi nổi đe dọa hàng triệu gia đình Theo thông tin từ Hiệp hội gas Việt Nam thì có đến khoảng 30% số vỏ bình gas đang lưu hành trên thị trường là giả. Ước tính hiện có trên 15 triệu bình gas đang được đưa vào sử dụng. Điều đó có nghĩa xấp xỉ 5 triệu vỏ bình gas giả đang trôi nổi trên thị trường gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ đe dọa sự an toàn về tài sản và tính mạng của hàng triệu gia đình. Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH khí đốt Thăng Long, sự nguy hại của thủ đoạn cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình gas không chỉ ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế cho các hãng gas, làm thay đổi kết cấu vỏ bình gas mà còn đặc biệt nguy hiểm khi xóa "lý lịch" vỏ bình. Theo quy định, vỏ bình gas buộc phải được kiểm định 5 năm 1 lần để đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên, những bình gas bị "phù phép" để chiếm đoạt sẽ bị xóa hết dấu vết, không được kiểm định và trôi nổi trên thị trường. Hàng triệu vỏ bình này sau một thời gian có thể gây nguy cơ cháy nổ trầm trọng, hậu họa khôn lường vô cùng. |
Hồng Kỹ