Dẹp gas “dởm”: Khó vì “đầu gấu” ngăn cản!

(Dân trí) - Là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng gas “dởm” vẫn lộng hành, thị trường lộn xộn. Quản lý thị trường thì kêu khó còn giới kinh doanh phi pháp thì tinh vi, nhiều thủ đoạn và hoành hành, chỉ khi thấy bóng Công an mới sợ!

Dẹp gas “dởm”: Khó vì “đầu gấu” ngăn cản!
Do chất lượng gas và bình gas không đảm bảo, nhiều trường hợp cháy nổ đau lòng đã liên tục diễn ra thời gian gần đây.

Chỉ 1 ngày là xong giấy cấp phép!


Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế cho thấy, trên thị trường hiện nay có quá nhiều thương nhân tham gia. Việc đăng ký kinh doanh dễ dàng khiến nảy sinh gian lận thương mại, ảnh hưởng đến các thương hiệu có uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng.

Tham gia trao đổi tại tọa đàm “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn”, ông Trần Trọng Hữu- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam đưa ra đánh giá: “không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như thị trường Việt Nam!”

Theo nhận xét của ông Hữu, tuy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng nhưng cấp phép kinh doanh gas lại quá dễ dàng.

Ông Hữu cho biết, qua quá trình phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 TW, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, Bộ Công an, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị liên quan về gian lận thương mại trong kinh doanh gas.

“Thực trạng này xảy ra rất tràn lan. Hiệp hội Gas chỉ hỗ trợ mà không xử lý được. Tôi đề nghị Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương nên có quy định xử phạt chặt chẽ hơn” – ông Hữu ý kiến.

Đại diện ngành gas cho rằng, do kinh doanh gas có chi phí đầu tư quá lớn, cho nên phát sinh hiện tượng gian lận rất nhiều, cộng thêm việc dễ dãi, chưa có chế tài rõ ràng dẫn đến việc xử lý gian lận rất khó.

“Đề nghị Cơ quan Quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ xử lý, nhất là có chế tài chặt chẽ, bởi hiện nay, ai cũng có thể mở được, chỉ 1 ngày là xong giấy cấp phép. Chúng tôi rất mong mỏi có thị trường gas lành mạnh để từ đó sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi, người tiêu dùng cũng có lợi, Nhà nước đỡ thất thu thế, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt hơn”.

Giới làm ăn phi pháp quá nhiều thủ đoạn

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam nói, công việc của cơ quan này đảm nhận rất lớn, mỗi năm kiểm tra xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật.

Riêng với mặt hàng gas, quá trình xử lý vụ việc của Quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng nhiều thủ đoạn. “Vì vậy, áp dụng chế tài, kiểm tra, xử lý là rất gian nan!”

Ông Hữu chia sẻ: “Chúng tôi rất thông cảm cho các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng mỏng, quản lý không xuể. Nếu chỉ có quản lý thị trường kiểm tra thì xử lý rất khó, một số cửa hàng còn thuê “đầu gấu” ngăn cản”.

Dẹp gas “dởm”: Khó vì “đầu gấu” ngăn cản!

Thậm chí, theo ông Hữu, ngay cả quản lý ở phường đi kiểm tra thì những đối tượng này cũng không sợ mà phải có bóng dáng Công An thì mới sợ.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý 400 vụ vi phạm trong ngành gas, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình LPG, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép.

Tuy vậy, theo nhìn nhận của ông Lam, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là đối tượng làm ăn phi pháp tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho hay, hoạt động sang chiết trái phép thường được thực hiện ở vùng ven đô, hẻo lánh; sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình doanh nghiệp có uy tín rồi cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả.

Thêm vào đó, có nhiều cơ sở sang chiết bình 12kg sang bình mini; sang bình lớn, sang bình nhỏ không đúng quy trình, kinh doanh hàng kém chất lượng; hay đổi thủ đoạn, theo dõi lực lượng chức năng nhằm trốn tránh.

Cần hành lang pháp lý đủ mạnh

Hoạt động sang chiết gas trái phép gây tác hại nhiều mặt. Về kinh tế, người tiêu dùng bị thiệt thòi, không dùng gas đúng chất lượng; doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại, nhà nước thất thu thuế… Đặc biệt, gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Để lập lại trật tự thị trường gas, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, công tác quản lý từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều điều chỉnh.

Vì vậy, việc xây dựng quy hoạch hệ thống kinh doanh gas hoặc có biện pháp siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho các cửa hàng kinh doanh gas là điều cần thiết.

Phía Hiệp hội khẳng định, cam kết phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường để có những ý kiến cụ thể làm sao để có quyết định kiểm soát thị trường gas một cách tốt nhất và lành mạnh.

Về phía Cục Quản lý Thị trường, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Cục phải chú trọng kiểm soát gas, coi đây là mặt hàng trọng điểm.

Tuy nhiên, ông Lam cho rằng, để ổn định, minh bạch thị trường thì điều kiện tiên quyết là có hành lang pháp lý đủ mạnh để điều tiết, kiểm tra, kiểm soát. Thứ hai, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm  tra kiểm soát.

Còn với chức năng của mình, Quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra vi phạm hành chính và căn cứ vào từng hành vi vi phạm để xử lý, khi có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan Công an.

Cục Quản lý Thị trường cũng đã được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong buôn bán hàng giả và Nghị định này đã được Chính phủ ban hành hồi đầu năm.

Liên quan đến chất lượng bình gas có vấn đề, một phần gây nên những hiện tượng cháy nổ thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Cục được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG. Khi ban hành giấy chứng nhận đủ điều kiện đều gửi cho các đơn vị chức năng như Cục quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương.

Ông Dũng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện “giấu diếm”. Thời gian tới Cục sẽ phối hợp Cục Thương mại điện tử đưa thông tin danh sách các cơ sở chế tạo chai chứa LPG lên trang web của Bộ Công Thương.

Bích Diệp