1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Hiến nhiều kế” xử lý nợ xấu của ngân hàng

(Dân trí) - Kinh tế thế giới suy thoái, vấn đề nợ xấu trở thành mối lo hàng đầu của các doanh nghiệp. Làm thế nào để khi xử lý nợ xấu, tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng là bài toán cần được giải quyết cụ thể.

Tại hội thảo chuyên đề “Quản lý nợ xấu tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/7, các diễn giả đã đưa ra những tình huống cụ thể về cách giải quyết vấn đề; trong đó có việc các ngân hàng hoặc chủ nợ cần liên kết, thoả thuận với nhau để giải quyết vấn đề nợ của khách hàng.
 
Tuy nhiên, tại Việt Nam, công đoạn cuối các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu là nhờ cậy đến toà án, chưa có trường hợp nào các ngân hàng thoả thuận cùng nhau.
 
Theo ông Philip Paterson, Giám đốc bộ phận khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính của Ngân hàng ANZ, nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc mất khả năng thanh toán. Do đó, các đối tác có quan hệ làm ăn với những doanh nghiệp này bỗng chốc phải gánh thêm phần nợ khó thu.
 
Tuy nhiên, “những khoản nợ xấu là một phần trong việc kinh doanh của chúng ta, không có gì bất bình thường cả. Hệ thống quản lý rủi ro phải luôn luôn sẵn sàng. Hầu hết các ngân hàng quốc tế hiện tại đều có một phòng quản lý rủi ro được điều hành bởi những chuyên viên giàu kinh nghiệm.
 
Ở Việt Nam, đã có một số trường hợp khách hàng sử dụng các khoản vay xuất nhập khẩu/sản xuất để phục vụ cho việc đầu tư mở rộng sản xuất. Do đó, các chứng từ vay vốn phải rõ ràng”, ông Philip Paterson nói.
 
Để quản lý nợ xấu, tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng, Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp của Công ty Grant Thornton Việt Nam Matthew Lourey “hiến kế”: Khi cho vay, các ngân hàng thương mại cần phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải tiến hành trích lập dự phòng, khi có những phát sinh khoản thu khó đòi.
 
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng có thể xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Việc bán nợ này cũng có thể coi là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.
 
Tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những gợi ý cụ thể của vị chuyên gia này trong việc xử lý nợ xấu. “Việc ngân hàng yêu cầu khách hàng thực hiện tái cấu trúc đưa lại kết quả là công ty có được hoạt động bền vững và không bị rơi vào tình trạng phá sản”, ông Matthew Lourey nhấn mạnh...
 
An Hạ